Trên địa bàn TP còn đến hàng trăm dự án đang thực hiện dở dang. Hàng chục ngàn hộ dân sống trong các dự án này bị treo quyền lợi trên dưới 10 năm mà vẫn chưa biết bao giờ chấm dứt.

Quá mỏi mòn

Căn nhà của bà Lê Thị Mai Xuân rộng khoảng 64m2 nằm trong một con hẻm của đường Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh), thuộc dự án khu nhà ở cụm Ao Sen do Công ty cổ phần xây dựng kinh doanh nhà Đại Phúc (gọi là Công ty Đại Phúc) làm chủ đầu tư. Gia đình bà Xuân sống ở đây hơn 30 năm, nhưng khi bước vào nhà thì áo quần, đồ đạc trong nhà lại được gói ghém trong những túi nilông hoặc túi giấy để ngay trên sàn nhà, đồ đạc cũng khá sơ sài và tạm bợ.
 

Đống “hành lý” để chuẩn bị dọn nhà của bà Lê Thị Mai Xuân (P.13, Q.Bình Thạnh)



Bà Xuân phân trần: “Kệ sách và tủ tivi tôi mới đi xin đồ cũ về xài tạm, bếp phải kê tạm trước sân nhà vì gian bếp trong nhà ngập nước, hôi hám quá”. Bà Xuân chỉ vào gờ ximăng cao ba tấc ngay cửa ra vào: “Cái này để ngăn nước tràn vô nhà mỗi khi trời mưa do khu này không có cống thoát nước. Mỗi lần mưa to, gia đình tôi phải thay nhau thức suốt đêm bơm nước từ trong nhà ra”.

Năm 1993, UBND Q.Bình Thạnh công bố khu vực nhà bà Xuân thuộc dự án Khu công nghiệp Bình Hòa. Rồi cứ vài năm một lần, các cơ quan chức năng đến đo đạc đất đai, kiểm đếm nhà cửa để chuẩn bị bồi thường. Đến năm 2001, Nhà nước bỏ dự án khu công nghiệp và chuyển thành dự án khu dân cư cụm Ao Sen. Trong năm đó, Công ty Đại Phúc san lấp mặt bằng phần đất trống, làm đường, chia lô bán nền và đo đạc, kiểm đếm nhà dân đến hai lần rồi thôi. Năm 2009, Công ty Đại Phúc lại tiếp tục kiểm kê, đo vẽ nhà dân.

Đầu năm 2012, chủ đầu tư đưa ra mức giá bồi thường và thông báo hộ dân nào đồng ý thì ký biên bản hiệp thương để nhận tiền bồi thường. Gia đình bà Xuân quá mỏi mòn với cảnh sống tạm bợ, chờ đợi trong dự án “treo” nên ký biên bản hiệp thương, đồng ý nhận khoảng 1,4 tỉ đồng tiền bồi thường.

Còn nhiều dự án “treo”

Theo thống kê của Sở Tài nguyên - môi trường, toàn Tp.HCM có 471 dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, 304 dự án được tiếp tục thực hiện, xóa “treo” 77 dự án, còn 90 dự án sẽ xem xét trong tháng 6.

Trong 785 dự án có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên toàn TP có 660 dự án đã được bồi thường từ 50-100% diện tích đất và 125 dự án bồi thường được dưới 50% diện tích đất thuộc diện phải xử lý (Nhà nước mới thu hồi được 35 trong 125 dự án).


Bà Xuân kể: “Tháng 7/2012 tôi ký biên bản hiệp thương, nhân viên Công ty Đại Phúc dặn tôi về nhà thu dọn đồ đạc để giao nhà, giao đất cho công ty trong vòng một tháng. Gia đình tôi thu vén, bán hết bàn ghế, giường tủ và những đồ cồng kềnh khác. Nhưng chờ một tháng, hai tháng, ba tháng vẫn không thấy công ty mời lên nhận tiền. Cuối năm 2012, tôi đến công ty hỏi thì nhân viên nói tôi ráng chờ vài hôm nữa. Đầu năm 2013, tôi đến công ty hỏi nữa nhưng vẫn chưa có ai trả lời dứt khoát, rõ ràng. Gần năm nay, con tôi không có cái bàn để học, cả nhà sống trong cảnh tạm bợ”.

Dự án khu nhà ở cụm Ao Sen có diện tích hơn 0,5ha, khoảng nửa diện tích này hiện đã mọc lên hơn chục căn nhà một trệt ba lầu khang trang, sáng sủa. Nửa diện tích còn lại có 18 căn nhà của các hộ dân dột nát, xuống cấp và ngập ngụa vì bị “treo” suốt 20 năm. Theo UBND Q.Bình Thạnh, việc bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án gặp nhiều trắc trở do các hộ dân không đồng ý vì giá đền bù thấp. UBND Q.Bình Thạnh đã trình UBND TP về hướng xử lý dự án này, chủ đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện dự án trên phần đất bồi thường xong và hoàn thiện con đường giữa dự án để dễ dàng lưu thông ra đường Bình Lợi. Sau khi có quyết định của UBND TP, chủ đầu tư và UBND Q.Bình Thạnh mới xác định cụ thể phạm vi dự án, lúc đó mới biết nhà của bà Xuân có tiếp tục được bồi thường hay không.

Thiệt hại bạc tỉ

Năm 2005, UBND xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi) họp hơn 250 hộ dân ấp Trung Viết công bố dự án Viện trường y tế rộng gần 106ha trên địa bàn ấp với nhiều hạng mục như bệnh viện, trường đại học, khu dân cư, khu vila, thương mại dịch vụ... Ngay sau đó, các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc khu đất, kiểm đếm tài sản của dân, rà soát bom mìn. Năm 2006, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi công bố giá bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhưng sáu năm qua, chưa người dân nào ở ấp nhận được tiền bồi thường trong khi ruộng vườn bị bỏ hoang, nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất do không có công ăn việc làm, không mở rộng sản xuất được.

Trang trại chăn nuôi của chị Lê Thảo nằm sát bờ kênh Đông rộng hơn 8ha với nhiều dãy chuồng trại, có nhà ăn, nhà kho bài bản. Gia đình chị Thảo vay 3 tỉ đồng để đầu tư kho, mua máy xay xát để mở rộng chăn nuôi. Năm 2004, chưa kịp trả nợ ngân hàng thì xảy ra dịch heo tai xanh nên đàn heo khoảng 5.000 con của trang trại bị tiêu hủy. Năm 2005, chị Thảo định thế chấp trang trại để vay tiền ngân hàng, hồi phục đàn heo nhưng ngân hàng từ chối vì đất của chị thuộc dự án Viện trường y tế. Do thiếu vốn chăn nuôi, hiện chị Thảo chỉ nuôi gần 300 con heo, nhiều dãy chuồng bỏ hoang, xuống cấp, đất đai thành thừa thãi trong khi món nợ ngân hàng năm nào đã tăng hơn gấp đôi thành 6,5 tỉ đồng.

“Ấp Trung Viết trước đây có khoảng 180ha đất trồng lúa và các loại hoa màu, nay chỉ còn một ít hộ dân sản xuất trên diện tích khoảng 30ha, phần còn lại bỏ hoang do dự án treo. 17 tuyến kênh mương ngang dọc cánh đồng giờ kiệt nước, xuống cấp và thành nơi cư trú của lũ chuột đồng” - ông Nguyễn Văn Ơn, trưởng ấp Trung Viết, sơ kết về tình hình của ấp như vậy. Ông Ơn kể sau khi Nhà nước kiểm đếm cây cối, tài sản, có nhiều gia đình đã trồng bạch đàn trên ruộng lúa nhằm tăng số lượng cây trồng để nhận được tiền bồi thường nhiều hơn.

Sau mấy năm Nhà nước chưa bồi thường, người dân chặt bạch đàn bán gỗ rồi bỏ hoang đất. Bạch đàn dưới ruộng cho tự do nhảy nhánh, cỏ lau mọc um tùm làm chỗ cho chuột, sâu bọ trú ngụ cắn phá những đám ruộng rẫy khác đang sản xuất. Năm nào dự tiếp xúc cử tri với các đại biểu HĐND TP và đại biểu Quốc hội, ông Ơn cũng hỏi, cũng kiến nghị về việc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án này nhưng không ai trả lời được.

Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, chủ đầu tư dự án bồi thường giải phóng mặt bằng Viện trường y tế, cho biết: năm 2007, ban bồi thường đã xây dựng xong phương án bồi thường giải phóng mặt bằng với tổng số tiền bồi thường hơn 270 tỉ đồng, nhưng Nhà nước chưa có tiền bồi thường cho dân. Theo Sở Y tế Tp.HCM - chủ đầu tư dự án Viện trường y tế, dự án đang trong giai đoạn mời nhà đầu tư. UBND TP đã giao Sở Kế hoạch - đầu tư xây dựng lộ trình thực hiện và những chính sách liên quan để mời gọi đầu tư.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME