Hàng loạt bất động sản nghìn tỷ được ngân hàng rao bán để thu hồi nợ
Trong nửa đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại đã rao bán đấu giá, thanh lý hàng loạt bất động sản là tài sản thế chấp để thu hồi nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Hàng loạt tài sản thế chấp là bất động sản ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành đang được Sacombank rao bán để thu hồi nợ. Đó là quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù tại quận 8, TP.HCM với diện tích lên đến 20.803m2. Các hồ sơ này thuộc dự án khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất với diện tích 12.669m2 cũng tại quận 8. Giá rao bán khởi điểm là 928 tỷ đồng.
Sacombank cũng rao bán các quyền sử dụng thửa đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá khởi điểm 1.330 tỷ đồng. Hai lô đất này có tổng diện tích 76.246m2, mục đích sử dụng là đất xây dựng khu vui chơi giải trí, đất cơ sở thể dục - thể thao có kinh doanh.
Ngoài ra, với giá khởi điểm từ vài trăm tỷ đồng, ngân hàng này cũng rao bán hàng loạt bất động sản ở các quận, huyện khác tại TP.HCM.
Không riêng ở TP.HCM, 15 quyền sử dụng đất ở Bình Dương với giá khởi điểm 897 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 29.600m2 cũng được Sacombank thông báo bán đấu giá.
Nhiều ngân hàng vì để thu hồi nợ đã rao bán hàng loạt bất động sản
là tài sản thế chấp. Ảnh minh hoạ: Linh Anh
Theo đại diện Sacombank, tính từ đầu năm, ngân hàng này đã thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng với hơn 11.000 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu đến nay, gần 35.700 tỷ đồng là số tiền mà Sacombank đã thu hồi được.
Một đơn vị khác cũng đã thu hồi cả ngàn tỷ đồng nợ xấu là Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank). Đại diện ngân hàng này cho hay, 6 tháng đầu năm 2019, ngân hàng đã thu hồi 1.870 tỷ đồng nợ có vấn đề cả gốc và lãi. Lũy kế từ tháng 8/2015 đến tháng 6/2019, 16.350 tỷ đồng nợ xấu là số tiền ngân hàng này đã thu hồi.
Ngân hàng Nhà nước thông tin, từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, 937.500 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trên toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Trong đó, 163.140 tỷ đồng là số nợ xấu xử lý trong năm 2018. Ước đến cuối tháng 6/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,91%.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, khi ngân hàng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, khách hàng trả nợ đã tăng lên. Điều này cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có quyền thu giữ tài sản bảo đảm…
Là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, TS Trương Văn Phước nhận xét quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng và xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt kết quả khả quan. Việc xử lý nợ xấu theo cách hiện nay không tốn ngân sách. Đặc biệt, các ngân hàng sẽ thu được lợi nhuận rất cao khi những khối nợ xấu nằm trong tài sản thế chấp là bất động sản.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet