Hà Nội: Xuất hiện làn sóng "cắt lỗ", bán tháo căn hộ
Từ khi dòng tín dụng bị siết lại, thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu khó khăn hơn. Đặc biệt tại Hà Nội đang mọc lên nhiều khu chung cư có dấu hiệu "cắt lỗ", bán tháo căn hộ.
"Cắt lỗ" cả trăm triệu vì vướng lùm xùm tranh chấp
Chị Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) đang rao bán căn hộ tại một dự án ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Căn hộ có diện tích hơn 100m2, được chị Hằng mua cách đây nửa năm với giá trong hợp đồng 28 triệu đồng/m2.
Theo chị Hằng, hiện dự án đang dính phải tranh chấp giữa những khách hàng góp vốn mua cũ với chủ đầu tư mới nên sợ không bán nhanh, căn hộ còn mất giá. Đấy là chưa kể, với giá tương đương thì dự án khác cách đó vài trăm mét có nhiều hạ tầng, dịch vụ tiện ích hơn. Chị Hằng cho biết: “Xung quanh có nhiều dự án khác cũng đang triển khai khiến tôi lo lắng về hạ tầng sau này. Hiện dự án đã xây xong phần thô tôi hạ giá cả trăm triệu mà mãi không ai hỏi mua”.
Việc bán "cắt lỗ" không chỉ xảy ra tại vài dự án đơn lẻ mà đang lan rộng ra tại nhiều dự án, đặc biệt là những dự án nằm ở vị trí hạ tầng có nguy cơ quá tải về giao thông. Theo ghi nhận, trên trục đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội), Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) có 40 căn hộ chung cư đã và đang chuẩn bị bàn giao cũng đều xảy ra hiện tượng "cắt lỗ".
Nhiều dự án chung cư trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) bán
"cắt lỗ" vì bùng nổ nguồn cung và lo sợ hạ tầng. Ảnh: Như Ý
Anh Chính Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) mua một căn hộ chung cư trên đường Lê Văn Lương, Thanh Xuân chia sẻ, anh mua dự án với giá trong hợp đồng 34 triệu đồng/m2 vì nghĩ toà nhà có vị trí trung tâm, ngay mặt đường và gần với ngã tư đường Láng - Láng Hạ. Nhưng do hằng ngày phải chứng kiến cảnh mật độ xe qua lại quá dày và tắc triền miên ngay dưới toà nhà nên anh đã chấp nhận bán lỗ 200 triệu đồng để chuyển sang những dự án khác có hạ tầng tốt hơn.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, giá bán căn hộ trung bình tại Hà Nội đạt mức 27,4 triệu đồng/m2 do giá thứ cấp giảm ở một số dự án bởi áp lực tăng nguồn cung. Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường sơ cấp giảm mạnh do nguồn cung lớn. Có khoảng 6.460 căn đã bán trong quý này.
Lo ngại hàng mới lại sẽ tồn kho
Các chuyên gia đánh giá, con số tồn kho BĐS hiện tại đã giảm đáng kể vì thị trường đang phát triển tốt, nhiều dự án đang triển khai lại. Song, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại, trong vài năm trở lại đây các dự án mới ồ ạt tung ra thị trường, còn một số hàng mới vẫn chưa bán hết được. Câu hỏi đặt ra là liệu có xuất hiện hàng tồn kho mới nữa không?
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, những nguy cơ như là mất cân đối, thiếu vắng các sản phẩm trung bình, sản phẩm thấp, nhà ở xã hội bây giờ đã giảm bớt. Tuy nhiên, nếu không có cảnh báo và điều chỉnh sớm, trong vài năm tới, thị trường BĐS sẽ có nguy cơ đi lại "vết xe đổ" cách đây mấy năm.
Trước đó, báo cáo với Chính phủ về kế hoạch của ngành xây dựng năm 2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, sẽ tập trung từ việc rà soát, đánh giá toàn diện về thị trường, đến kiểm tra một số dự án BĐS quy mô lớn chiếm nhiều diện tích đất. Bên cạnh đó sẽ đánh giá về các chính sách liên quan như: Tài chính, tín dụng, chính sách đất đai, chính sách thuế để đề xuất với Chính phủ những công cụ quản lý hữu hiệu, bảo đảm kiểm soát thị trường BĐS phát triển ổn định và lành mạnh.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, phải có định hướng hạ nhiệt khi thị trường chưa đến mức phát triển quá nóng như giai đoạn trước. Nhưng các động thái kiểm soát cũng cần đảm bảo giữ ổn định để thị trường không xảy ra tình trạng trầm lắng, thậm chí là "đóng băng" như giai đoạn 2010 - 2011. Bộ Xây dựng sẽ tiếp cận chủ động và có những giải pháp linh hoạt hơn trong ứng xử với thị trường BĐS.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, tồn kho BĐS tiếp tục giảm, song tốc độ đã chậm lại, tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Tính đến 20/4/2017, tổng trị giá BĐS tồn kho còn khoảng 28.369 tỷ đồng, so với tháng 12/2016 giảm 2.654 tỷ đồng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet