Thực tế, thị trường nhà đất đã và đang có nét tươi mới, nhưng đời sống chung cư ở nhiều KĐT tại Hà Nội vẫn chưa hết bất cập, thậm chí bức xúc (đến từ tập thể cư dân sở tại) đã vẳng tới “công đường”. Vậy là các dự án KĐT, chung cư lại sắp “được” thanh, kiểm tra như một lẽ đương nhiên.

Nóng từ ngoài

Trung tuần tháng 7, thông tin Hà Nội sẽ tổng kiểm tra dự án KĐT, chung cư thiếu hạ tầng để có chế tài xử lý cụ thể với từng trường hợp sai phạm được coi như một kết cục đương nhiên của câu chuyện quản lý ngành xây dựng – BĐS. Bởi lẽ, chẳng đâu xa, đầu năm 2013, nhà chức trách hữu quan cũng từng cấp tập lập đoàn thanh tra các KĐT trên địa bàn Hà Nội và ra “tối hậu thư” cho 10 KĐTM thiếu hạ tầng xã hội.

Cụ thể, tháng 2/2013, Thành ủy Hà Nội tỏ ra quyết liệt trong công tác chấn chỉnh tình trạng các KĐTM còn thiếu trường học và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống của người dân. Nguyên nhân, hàng loạt các KĐT, chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng vài năm nhưng hạ tầng xã hội hầu như bị “lãng quên” hoặc được chủ đầu tư “đá bóng” cho thứ cấp khác. Chăm chăm xây dựng phần diện tích thương mại (để bán cho khách hàng), đáng chú ý, có DN còn “xơi” luôn phần hộp kỹ thuật để cơi nới thêm vài căn hộ bán cho khách hàng….

Muôn vàn hệ lụy đã xuất hiện: tình trạng chậm cấp sổ đỏ, tranh chấp leo thang, cự cãi giữa DN - cư dân về phí dịch vụ (mà chẳng được hưởng tiện ích hạ tầng theo hợp đồng giao kết).

Nội dung bao trùm của “tối hậu thư” từ Lãnh đạo Hà Nội đối với các đơn vị chủ đầu tư, thứ cấp đầu tư là “thúc” tiến độ lập, triển khai dự án về hạ tầng xã hội trong KĐT như trường học công lập, sân chơi, vườn hoa, nơi sinh hoạt cộng đồng….

Trách nhiệm, nghĩa vụ với khu đô thị, "hãy chờ đấy"!. Ảnh minh họa
Trách nhiệm, nghĩa vụ với khu đô thị, "hãy chờ đấy"!. Ảnh minh họa

Mọi chuyện tưởng đã đi vào nề nếp sau động thái quyết liệt của lãnh đạo Hà Nội, nhưng mới đây (hơn 1 năm sau), lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định sắp tiến hành tổng kiểm tra rà soát các dự án gặp tình trạng không có khu xử lý nước thải, chậm (chây ì) đấu nối hạ tầng kỹ thuật. Dường như, tốc độ hình thành các KĐTM còn quá cao so với việc DN thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với dự án do chính họ xin phê duyệt để triển khai.

Vào trong khu đô thị

Xung quanh căn hộ sinh sống tại những khu chung cư cao tầng, KĐT mới hình thành là vấn đề hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Còn bên trong, là mối quan hệ chưa bao giờ “cơm lành canh ngọt” giữa cư dân và chủ đầu tư.

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội mới thành lập được 79 Ban quản trị nhà chung cư hoặc cụm nhà chung cư, đang quản lý 95 trong tổng số 478 tòa nhà cao tầng.

Còn lại, hàng chục nghìn hộ dân, hàng trăm chung cư cao tầng vẫn tồn tại cảnh “mạnh ai nấy sống”, Ban quản trị không có – đồng nghĩa với va chạm - xung đột từ những điều nhỏ nhất như mất điện, cúp nước, thang máy hỏng…giữa người dân và Ban quản lý (đại diện chủ đầu tư tòa nhà).

Câu trả lời mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội về vấn đề này được xem là…có thể đoán trước (!). Theo đó, trách nhiệm được “chia đều” cho các chủ đầu tư chậm triển khai tổ chức hội nghị nhà chung cư và UBND các quận, huyện, phường xã (chậm kiểm tra, đôn đốc).

Trước bất cập “xưa như Trái đất” này, Thành ủy yêu cầu các đơn vị lãnh đạo sở tại rà soát các nhà chung cư, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức Hội nghị nhà chung cư và báo cáo kết quả vào quý IV năm nay.

Đáng chú ý, theo UBND TP Hà Nội, qua kiểm tra 352 dự án sử dụng đất (trong đó có 43 dự án nhà ở thương mại), có 9 dự án chưa tìm thấy địa chỉ liên hệ của chủ đầu tư (trong đó có 1 dự án nhà ở thương mại)…

Chẳng hiểu, khi chủ đầu tư “mất tung tích”, trách nhiệm hoàn thành các phần việc liên quan đến hạ tầng xã hội, thành lập Ban quản trị tòa nhà…sẽ “dành phần ai”?!

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME