Hà Nội: Phải tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ
Vừa qua, nhằm cụ thể hóa kế hoạch của Thành ủy về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) và Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động với mục tiêu góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Phát triển giao thông đô thị tạo sự liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong vùng kinh tế trọng điểm. Ảnh: Trần Hùng |
Nhiều dự án hạ tầng được đầu tư
Theo Chương trình, từ nay đến 2020, Hà Nội phấn đấu hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng khung trong giao thông đô thị, ngoại thành, đường vành đai, hướng tâm. Phát triển giao thông tạo sự liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và các đô thị vệ tinh.Nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành nâng cao chất lượng lưới điện. Ngầm hóa toàn bộ lưới điện trong đô thị đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị. Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm. Từng bước chuyển đổi chức năng sang dịch vụ công nghiệp, công nghệ cao đối với khu công nghiệp nằm trong nội thành và vùng đô thị hạt nhân theo quy hoạch vùng Thủ đô. Các cụm công nghiệp đang tồn tại trong khu vực vành đai xanh tiếp tục cho tồn tại nhưng hạn chế phát triển, từng bước chuyển đổi sang công nghệ cao, sạch, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.
Tập trung xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia tại Từ Liêm; triển khai trung tâm triển lãm thương mại quốc tế tại Đông Anh; trung tâm mua sắm lớn, trung tâm logistic từ Vành đai 3 đến Vành đai 4; trung tâm thương mại tài chính ở Tây hồ Tây... Phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử và phương thức bán lẻ qua điện thoại, qua mạng internet.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, củng cố, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo tưới, tiêu chủ động cho sản xuất nông nghiệp. Cải tạo, nâng cấp nạo vét hệ thống sông, trục tiêu chính; nâng cấp, củng cố hệ thống đê điều, các tuyến kè, nhất là các tuyến kè trên sông Hồng, sông Đuống. Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đô thị và mở rộng hệ thống cấp nước tập trung cho các khu vực nông thôn. Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung và cục bộ.
Hà Nội là trung tâm công nghiệp CNTT của cả nước
Về hạ tầng CNTT, phát triển gắn với các yêu cầu của cơ quan chính quyền trong quản lý đô thị văn minh hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử Thủ đô vào năm 2020. Xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp CNTT của cả nước, từng bước trở thành trung tâm mạnh về công nghiệp phần mềm, nội dung số và công nghiệp phần cứng trong khu vực. Đưa ngành công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của Hà Nội.Đầu tư đủ và đồng bộ cơ sở vật chất để duy trì phổ cập tiểu học, trung học mầm non, tiến tới phổ cập bậc trung học. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống các trường mầm non công lập, hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Cải tạo và xây dựng một số cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao đảm bảo nhu cầu nguồn nhân lực cho Thủ đô và cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế. Hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 dự án cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ: Dự án Trung tâm Giao dịch Công nghệ thường xuyên, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Dự án cải tạo và nâng cao năng lực của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.
Trong lĩnh vực y tế, xây mới các bệnh viện như: Bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại Mê Linh, đa khoa huyện Mê Linh, đa khoa miền núi Ba Vì, Nhi Hà Nội, Mắt Hà Nội, Truyền nhiễm Hà Nội, đa khoa Xanh pôn (cơ sở 2), Tim Hà Nội (cơ sở 2) và Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông (cơ sở 2). Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc gia và quốc tế tại 5 cửa ngõ của Thủ đô.
Chương trình hành động của thành phố cũng đề cập tới xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao; dự án về bảo tồn làng cổ; di tích văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di sản văn hóa thế giới; di sản tư liệu thế giới….
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thành phố yêu cầu các sở, ngành định kỳ 6 tháng và hàng năm (trước ngày 15/6 và 15/11) có báo cáo cụ thể về tình hình triển khai thực hiện, các vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp để UBND TP xem xét, chỉ đạo.
(Theo KTĐT)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet