Những bức xúc của người dân Liên Hiệp xuất phát từ tình trạng quản lý đất đai thiếu minh bạch, tùy tiện dẫn đến hàng chục nghìn mét vuông đất công đã bị UBND xã biến thành đất tư.

"Đốt cháy giai đoạn" trong quản lý đất đai

Sự việc bắt đầu từ chuyện phần diện tích đất công bị bỏ hoang nhiều năm tại khu vực đầm Bến A chưa sử dụng đến vì là "đất xấu không canh tác được"... bỗng chốc mọc lên 14 ngôi nhà, xưởng sản xuất san sát với khung bê tông 2, 3 tầng kiên cố.

Khu này là đất công (quỹ đất 2) do UBND xã trực tiếp quản lý với tổng diện tích 5.375m2. Chủ tịch xã Từ Tất Tuấn cho biết, năm 2009, nhận thấy nhu cầu cần có nơi sản xuất tập trung của các hộ làm nghề cơ khí, mạ kim loại cũng như giải quyết cấp bách vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, UBND xã đã chia lô, cho các hộ chuyển ra đây mà không làm hợp đồng hay xin phép cơ quan có thẩm quyền.

Sự việc vỡ lở, dự án đình chỉ, các hộ dân xây dựng nhà, xưởng (vào cuối năm 2009, đầu năm 2010) đã bị cưỡng chế, yêu cầu tự tháo dỡ với lý do vừa vi phạm Luật Đất đai, vừa vi phạm hành lang đê điều.

Để khắc phục hậu quả việc làm sai trái của mình, năm 2010, lãnh đạo xã Liên Hiệp đã đưa ra giải pháp tình thế nhằm đối phó với cấp trên là lập quy hoạch dự án điểm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (SXKD-DV) đầm Bến A, trình UBND huyện Phúc Thọ xem xét, phê duyệt. Không biết có phải do bị xã Liên Hiệp đưa vào "chuyện đã rồi" hay xét nhu cầu thực tế của người dân, ngày 12/7/2010, UBND huyện Phúc Thọ ban hành Quyết định 1952, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm kinh doanh - dịch vụ (KD-DV) khu đầm Bến A, xã Liên Hiệp với mục tiêu tạo nguồn quỹ đất sạch để phát triển SXKD-DV. Tổng diện tích phê duyệt 5.375m2, trong đó đất chia cho các hộ sản xuất 2.500m2. Nguồn vốn đầu tư do các hộ tự đóng góp để xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Quy hoạch nêu rõ: Ban Quản lý dự án có trách nhiệm công bố quy hoạch, lập phương án GPMB trình UBND huyện phê duyệt, tổ chức thực hiện xây dựng hạ tầng theo quy định của pháp luật, sau khi xây dựng xong mới giao đất cho các hộ thuê SXKD-DV. Quy định là vậy, nhưng vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, UBND xã Liên Hiệp đã "bật đèn xanh" cho các hộ làm mạ kẽm xây dựng nhà, xưởng SX khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án.

Theo quan sát của PV, hầu hết các hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố, nhà xưởng và đưa vào sản xuất ổn định. Tuy nhiên, theo khẳng định của Chủ tịch UBND xã Từ Tất Tuấn thì đến nay, ràng buộc pháp lý giữa UBND xã và 14 hộ dân vẫn chỉ là "thỏa thuận miệng", chưa có hợp đồng giao đất hay thuê đất nào được ký kết.

Cách khu đầm Bến A không xa, khu đầm Bến B cũng trong tình trạng tương tự. Tổng diện tích 39.200m2 quỹ đất 2 (gồm cả hành lang bảo vệ đê) có 4 cơ sở SXKD đang hoạt động. Mặc dù ngày 22/1/2009, UBND huyện Phúc Thọ mới có Quyết định số 162 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 điểm SXKD-DV này, nhưng UBND xã đã ký hợp đồng thuê đất với các hộ từ năm 2007.

Ngoài hai điểm SXKD-DV trên, còn khoảng 30ha quỹ đất 1 (chưa chia hết cho dân) xã Liêp Hiệp đang giao cho hai HTX Hạ Hiệp và Đồng Hối quản lý. Theo Chủ tịch xã Từ Tất Tuấn, phần diện tích này đang có 60 dự án thuê đất, một số dự án có hợp đồng từ 10 đến 20 năm. Ông Tuấn thừa nhận, có hai dự án đã được người dân địa phương khác nhận thầu lại, nhưng hiện tại người dân trong xã vẫn đứng tên chủ hợp đồng.

Huyện và xã cùng "kêu" khó

Làm việc với PV, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ - cơ quan trực tiếp tham mưu giúp lãnh đạo huyện quản lý nhà nước về đất đai thừa nhận, huyện đang gặp khó khăn trong việc đưa ra giải pháp khắc phục những sai phạm tại xã Liên Hiệp. Ông Đặng Văn Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, cả hai dự án SXKD-DV xã đều thực hiện theo kiểu "tiền trảm, hậu tấu".

Khi nhà xưởng đã xây dựng hoàn chỉnh, người dân thắc mắc, lãnh đạo huyện mới biết, UBND xã Liên Hiệp đã bỏ qua các quy định của pháp luật, tự ý "biến hóa" đất công. Chủ tịch xã Từ Tất Tuấn thừa nhận, việc làm này là sai quy định của pháp luật, huyện Phúc Thọ đã kiểm điểm tập thể Đảng ủy, UBND xã; cá nhân Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã đã kiểm điểm trước Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ. Nhưng khi hỏi về hướng khắc phục tiếp theo, ông Tuấn đã không đưa ra được câu trả lời.

Theo ông Đặng Văn Nghĩa, ngay sau khi phát hiện vụ việc, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo xã Liên Hiệp yêu cầu các hộ lập hồ sơ làm thủ tục thu hồi đất nhưng lại rơi vào đúng thời điểm UBND TP Hà Nội ban hành quy định về việc UBND cấp quận, huyện, thị xã không được quyền cho hộ cá nhân thuê đất.

Trước tình hình này, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo xã hướng dẫn các hộ liên kết thành lập doanh nghiệp để đủ điều kiện thuê đất, nhưng việc làm này đã không thực hiện được. Đặt vấn đề về việc cưỡng chế các vi phạm, ông Nghĩa cho biết: "Nếu làm như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho các hộ dân vì nhà xưởng của họ đã đầu tư rất lớn. Vấn đề ở chỗ, khi họ xây dựng xã đã "bật đèn xanh", không ngăn chặn ngay từ đầu". Về việc cho người dân nơi khác đến nhận thầu đất, ông Nghĩa cho biết sẽ kiểm tra ngay để làm rõ sự việc.

Những khuất tất về quản lý, sử dụng đất đai ở xã Liên Hiệp là cố ý làm trái có hệ thống, gây bất bình trong nhân dân. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã lơi lỏng, thiếu sâu sát trong công tác quản lý, do đó những sai phạm không được phát hiện sớm để có biện pháp xử lý. Đây là bài học đắt giá trong việc quản lý, sử dụng đất hiện nay đối với các địa phương khu vực nông thôn.

(Theo HNM)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME