Hà Nội: Nhà thầu tháp đôi điện lực chưa được cấp phép
Ngay khi mở thầu, chủ đầu tư toà tháp đôi- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bị tố bỏ nhà thầu rẻ để chọn nhà thầu có giá chào cao hơn 100 tỷ đồng; đang giai đoạn hoàn thiện thì xảy ra cháy. Nay, dự án vừa hoàn thiện, cơ quan chức năng mới phát hiện nhà thầu Hàn Quốc không có giấy phép thầu.
Toà tháp đôi xây xong, cơ quan quản lý mới biết nhà thầu chưa được cấp giấy phép thầu Ảnh: Xuân Phú |
Không giấy phép, vẫn thi công dự án
Theo tìm hiểu, tham gia thực hiện từ khi dự án được khởi động cách đây hơn 7 năm, nhưng đến tận tháng 6 vừa qua, nhà thầu Heerim Architects & Planners Co., Ltd (gọi tắt Cty Heerim-Hàn Quốc), đơn vị được EVN chọn thi công dự án Trung tâm điều hành và Thông tin viễn thông Điện lực Việt Nam (còn gọi là tháp đôi điện lực, tại số 11 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội), mới có văn bản xin Bộ Xây dựng cấp giấy phép thầu, với lý do mới tham gia thầu ở Việt Nam nên chưa biết luật.Trong công văn trả lời ngày 14-8 về việc hướng dẫn cấp giấy phép thầu cho nhà thầu này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết: Ngày 19-6-2012, Cty Heerim mới có văn bản xin Bộ Xây dựng cấp giấy phép thầu cho dự án tháp đôi điện lực.
Việc đã thi công xong công trình, mới xin giấy phép thầu, là vi phạm Quyết định 87 và Quyết định 03 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
Theo đó, trước khi thực hiện công việc, nhà thầu phải xin giấy phép thầu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến nay dự án đã kết thúc nên việc cấp giấy phép thầu là không phù hợp quy định hiện hành.
Theo giải trình của Cty Heerim gửi Bộ Xây dựng, đây là dự án đầu tiên Cty thực hiện tại Việt Nam nên không hiểu hết các quy định pháp luật, do đó chưa xin giấy phép theo quy định.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong thực tế công ty này đã hoạt động khá lâu ở Việt Nam và có hợp tác với hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhiều công trình lớn.
Cụ thể, Cty Heerim đã hợp tác với Cty Cổ phần Đầu tư và tư vấn INCOMEX thực hiện dự án xây dựng bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại huyện Mê Linh, Hà Nội.
Cty Heerim cũng là nhà thầu chính tư vấn dự án Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 tại Hà Nội và là nhà thầu phụ của tổ hợp Khách sạn - Trung tâm thương mại - Văn phòng và căn hộ cao cấp Keangnam Hà Nội.
Chủ đầu tư cũng có lỗi
Trước vi phạm của Cty Heerim Architects & Planners Co., Ltd, Bộ Xây dựng cũng tỏ ra lúng túng, không biết phải xử lý ra sao. Vì thực tế, tuy không có giấy phép thầu, song doanh nghiệp này đã thi công xong dự án.Nên Bộ Xây dựng cũng chỉ yêu cầu “nhà thầu cần rút kinh nghiệm và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam đối với các dự án khác khi nhận thầu tại Việt Nam, nếu không thực hiện công ty sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Một chuyên gia về xây dựng cho biết, trong trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm mà nhà thầu nước ngoài sẽ bị đình chỉ công việc đang thực hiện tại Việt Nam, bị xử phạt hành chính khi có các vi phạm quy định về hành chính trong xây dựng hoặc thậm chí bị thu hồi giấy phép thầu, đình chỉ quyền tham gia nhận thầu tại Việt Nam có thời hạn hoặc không thời hạn. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo chuyên gia, chủ đầu tư hoặc chủ dự án phải có trách nhiệm hướng dẫn họ tuân thủ các quy định của pháp luật và hỗ trợ nhà thầu nước ngoài chuẩn bị các tài liệu liên quan để kê khai trong hồ sơ xin giấy phép thầu.
“Đặc biệt, khi sử dụng nhà thầu nước ngoài để thực hiện tư vấn quản lý xây dựng, giám sát chất lượng xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ dự án phải thông báo bằng văn bản cho các nhà thầu khác và các cơ quan quản lý chất lượng xây dựng biết về chức năng, nhiệm vụ của nhà thầu. Nếu không làm hoặc bỏ qua các bước này là sai quy định”- chuyên gia trên cho biết.
Nhà thầu giá cao được chọnCuối năm 2006, liên danh Tổng Cty xây dựng Hà Nội - Cty xây dựng dân dụng và công nghiệp Delta đã có đơn tố cáo Ban quản lý dự án Trung tâm điều hành và Thông tin viễn thông Điện lực Việt Nam “có vấn đề” khi chọn một liên danh nhà thầu khác có giá bỏ thầu cao hơn tới 116 tỷ đồng so với giá chào của liên danh này. Lý do loại nhà thầu giá thấp, được EVN đưa ra là do liên danh Tổng Cty xây dựng Hà Nội - Cty xây dựng dân dụng và công nghiệp Delta đã bỏ thấp hơn giá trị thực tại một số hạng mục với số tiền tổng cộng 1,6 tỷ đồng nên… trượt thầu. |
(Theo TPO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet