Hà Nội: Mua, xây tùm lum trên đất ruộng tại quận Thanh Xuân
Gần đây có rất nhiều phản ánh về lãnh đạo địa phương làm ngơ để người dân lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tiến hành xác minh vụ việc, chúng tôi nhận thấy những phản ánh của người dân không phải là vô căn cứ.
Những căn nhà xây dựng trái phép xen kẽ với ruộng rau (bên trái). Ngôi nhà cuối ngõ 271, đường Bùi Xương Trạch (tổ 26, phường Khương Đình) đang được gấp rút hoàn thiện |
Lấn chiếm tràn lan
Bao nhiêu căn hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn phường Khương Đình? Có lẽ, câu hỏi này sẽ là quá khó để lãnh đạo địa phương thống kê chính xác được. Chỉ biết rằng, từ những năm trước 1995, đã có hàng trăm căn nhà xây dựng trái phép được lãnh đạo địa phương "bảo kê" cho xây dựng. Hậu quả, những cán bộ biến chất của xã Khương Đình (cũ) đã phải ra hầu tòa và chịu xử lý trước pháp luật. Thế nhưng, sau vụ án này, tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm và công thổ Quốc gia vẫn bị "gặm nhấm" không thương tiếc.Nhiều ngày có mặt tại các tổ 26, 27 và 45 (phường Khương Đình) chúng tôi đã chứng kiến nhiều ngôi nhà đã và đang mọc lên xen kẽ đó là những mảnh ruộng đang trồng rau. Trong vai người cần mua nhà, chúng tôi dễ dàng được người dân thẳng thắn cho biết phần lớn những căn nhà ở đây đều được xây dựng trên đất nông nghiệp. Các bên mua đi, bán lại được giao dịch bằng các tờ giấy viết tay, chứ không thể được chứng thực bởi các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Là một trong những người mua đất nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Bảo Thoa (SN 1958, trú tại tổ 26, phường Khương Đình) cho biết, tháng 6/2011, qua người quen giới thiệu bà đã mua được một mảnh đất với diện tích 32m2 và tiến hành xây nhà cấp 4 để ở. Theo lời bà Thoa, trước khi mua mảnh đất này, bà cũng đã tham khảo và được biết tại địa phương cũng có hàng trăm căn nhà có nguồn gốc tương tự nên bà đã liều mua mặc dù biết sẽ vấp phải nhiều rủi ro. "Sau khi xây xong, tôi chuyển đến ở thì bị UBND phường Khương Đình cưỡng chế, phá nát ngôi nhà. Tôi đã đến gặp ông Nguyễn Đình Hưng- Chủ tịch UBND phường Khương Đình thắc mắc trên địa bàn phường có hàng trăm căn nhà xây dựng trái phép nhưng tại sao chỉ gia đình tôi bị cưỡng chế. Tuy nhiên, ông Hưng đã không trả lời tôi. Phải chăng, vì tôi không hiểu "luật" khi xây nhà nên mới bị cưỡng chế"- bà Thoa nói.
Ông Lê Quốc Chính (SN 1955, tạm trú tại tổ 26, phường Khương Đình) phản ánh, tình trạng xây dựng trái phép diễn ra khá phổ biến trên địa bàn phường. Hiện tại, tình trạng này chủ yếu diễn ra tại các tổ 26, 27 và 45 với hơn 300 căn nhà xây dựng trái phép. Theo phản ánh của ông Chính, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là có sự "bảo kê", mỗi căn nhà muốn được xây dựng phải làm "luật" khoảng 200 triệu đồng. Ông Chính nói: "Do không có tiền, tôi đã mua một mảnh đất nông nghiệp và xây dựng nhà cấp 4. Trước khi xây, tôi được một người nói phải làm “luật” 200 triệu đồng mới được xây dựng".
Thách thức
Trước những phản ánh của người dân, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Hưng - Chủ tịch UBND phường Khương Đình. Theo ông Hưng, Khương Đình là một phường thuần nông, khi thành lập phường đã có rất nhiều nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ông Hưng cho rằng, từ tháng 5/2010, ông được bổ nhiệm về làm Chủ tịch UBND phường và đã ngăn chặn được tình trạng này. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra một số thông tin cho thấy tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra trong thời gian gần đây thì ông Hưng xẵng giọng: "Đây là việc cũ của chúng tôi, nếu như báo chí cảm thấy những giấy tờ này mà có giá trị chứng cứ pháp luật thì cứ gửi các cơ quan chức năng".Trước câu hỏi: "Ông đánh giá thế nào về những thông tin người dân rao bán những căn nhà được xây trên đất nông nghiệp?". ông Hưng tỏ ra khó chịu: "Thông tin này là không đúng, tài liệu này là chả có giá trị pháp lý gì cả. Riêng về chứng cứ, em phải nên nhớ anh là chuyên khoa điều tra tội phạm (ông Hưng nguyên là Công an chuyển sang làm công tác chính quyền- PV) nên anh nói đúng 100%. Thư ký ghi vào biên bản, bởi biên bản này sẽ gửi về Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương. Tất cả những người đến làm việc ở đây đều phải lập biên bản và gửi về Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Em đưa ra cái tài liệu này là không được. Bởi đây không phải là hỏi cung anh. Anh đã nói là không có việc xây dựng trái phép, tại sao em lại đưa cái tài liệu này ra đây. Em đưa cái tài liệu này ra làm chứng cứ để đấu tranh với anh. Em sai lầm vì em biết quá khứ của anh như thế nào. Em đã biết rồi mà em vẫn đưa cái này ra làm tài liệu đấu tranh anh là không được".
Rõ ràng, những phản ánh của người dân về tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Khương Đình không phải là vô căn cứ. Đề nghị các ngành chức năng của Hà Nội sớm vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn tình trạng này.
(Theo GĐ&XH)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet