Hà Nội: Hủy các dự án "ôm đất" quá 3 năm không triển khai
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát lại và có thể hủy các dự án "ôm đất" quá 3 năm chưa triển khai.
Những dự án "găm đất" hàng thập kỷ khiến tài nguyên đất bị lãng phí, nhiều hộ dân "đi không nỡ, ở chẳng xong" do dự án treo là câu chuyện nhức nhối tại Hà Nội nhiều năm qua. Vì vậy, việc Chủ tịch TP. Hà Nội có văn bản yêu cầu các quận/huyện kiểm tra, rà soát lại và có thể hủy các dự án đã quá 3 năm chưa thực hiện được xem là quyết sách quyết liệt đối với các doanh nghiệp cố tình "ôm đất", nhất là các lô đất vàng. Theo kỳ vọng của nhiều chuyên gia, đợt rà soát tới đây của các quận, huyện sẽ mang lại hiệu quả thực sự, thay vì việc rà soát xong rồi tiếp tục bỏ hoang.
Khu đất của dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đắp chiếu hơn chục năm qua được sử dụng làm bãi đỗ xe. Ảnh: Infonet |
Có mặt tại khu đô thị mới Thịnh Liệt, rất dễ lầm tưởng đó là một vùng quê yên bình nào đó. Nhưng khung cảnh như vậy nằm ở quận Hoàng Mai, ngay trong lòng Thủ đô. Dự án này đã được giao cho Tổng Công ty Licogi làm chủ đầu tư từ hơn 10 năm trước, tuy nhiên đến nay mới chỉ đang giải phóng mặt bằng.
Cách đó không xa, dự án Bệnh viện đa khoa Quang Trung cũng đã "đắp chiếu" cả thập kỷ. Theo đại diện quận, nguyên nhân do chủ đầu tư Dự án Bệnh viện Quang Trung không đủ năng lực tài chính để chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân nên chưa thể thực hiện dự án.
Tại Ba Vì cũng có 3 siêu dự án được thành phố chỉ đích danh yêu cầu rà soát, thu hồi. Trong đó, Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên cũng đã được lập quy hoạch cách đây cả chục năm. Mặc dù huyện đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chủ đầu tư vẫn phớt lờ.
Theo quy định, nếu sau 12 tháng từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa mà nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lập hồ sơ, trình thành phố thu hồi đất đã giao. Quy định là vậy nhưng việc thực hiện không hề đơn giản.
Các chuyên gia cho rằng, cần xem xét từng trường hợp cụ thể để tạo công bằng cho các doanh nghiệp. Thực tế đến nay, Hà Nội vẫn chưa có một thống kê chính thức có bao nhiêu dự án chậm tiến độ quá 3 năm, nguyên nhân xuất phát từ đâu. Chỉ biết rằng, giữa lòng Thủ đô sôi động vẫn tồn tại không ít những khu đất rộng vài chục ha nằm im cả thập kỷ, cỏ dại mọc quá đầu người...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet