Hà Nội "hoãn" bán 46 biệt thự đang cho thuê
Trước các ý kiến băn khoăn của nhiều đại biểu, HĐND TP Hà Nội thống nhất "để lại" 46 biệt thự TP quản lý hiện đang cho doanh nghiệp thuê - không bán theo "diện 61", sau này có thể đấu thầu hoặc cho thuê lại theo giá mới...
Một biệt thự kiến trúc Pháp tại Hà Nội (Ảnh: L.A.Dũng) |
Tại buổi xem xét, thảo luận về quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP chiều nay (10/12), đại biểu Vũ Đức Tân (Ba Đình) bày tỏ không muốn "bỏ phiếu" cho việc bán nhà biệt thự vì quỹ nhà này không tính được bằng tiền, không chỉ có giá trị kinh tế, kiến trúc mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử.
Theo ông Tân, những ngôi nhà "cũ" như vậy ở Hà Nội hiện nay có nguy cơ biến mất, tại các khu phố cổ, nhà mang dáng dấp Pháp không còn nhiều và với tốc độ phát triển như hiện nay thì việc giữ lại các ngôi biệt thự là rất khó. Như vậy, việc bán nhà biệt thự nhìn góc độ kinh tế thì là tối ưu nhưng dưới góc độ văn hóa là... "mất hết", vì hiện nay các ngôi biệt thự cũ chỉ có giá trị về quỹ đất, trong khi đó, đã đến lúc cần phải giữ lại vì "nó" được coi như bảo tàng lịch sử, một ''hiện trường mi ni'' cần được giữ lại nguyên trạng để không mất đi hình ảnh của Hà Nội nghìn năm.
"Tôi cho rằng, việc thúc đẩy nhanh, hóa giá các biệt thự là không đúng. Lịch sử sẽ lên án" - ông Tân gay gắt.
Theo đó, đại biểu này đề nghị nên thay việc bán nhà biệt thự bằng việc bảo tồn, nghĩa là không xây dựng mới, không phá mà cần bảo tồn giá trị bởi nếu cần đất để có thêm quỹ nhà thì Hà Tây (cũ) đã giải quyết được nhu cầu này.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hòa Nam (Đông Anh) lại có ý kiến, bán chỉ là một phần trong đề án Quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP, trong đề án nêu rất rõ biệt thự nào bán, biệt thự nào không bán. Theo đó, chính vì đưa ra các tiêu chí quản lý như đề án thì kể cả bán hay không bán cũng đều chịu sự điều chỉnh của đề án này.
"Chưa chắc không bán mà đã tốt hơn so với tư nhân quản lý" - ông Nam nhìn nhận.
Đại biểu này cũng phản ánh, hiện nay nhiều biệt thự các cá nhân đang chia nhau ở và có thể thấy rõ biệt thự ngày càng xuống cấp, phá vỡ toàn bộ cảnh quan của biệt thự đó. Hơn nữa, có nhiều biệt thự đã bán một phần rồi thì không thể dừng lại được. Theo ông Nam thì cần thiết phải ban hành hẳn một Nghị quyết về việc này.
Không bán 46 biệt thự DN đang thuê theo "diện 61"
Đại biểu HĐND cũng thắc mắc về 46 biệt thự TP quản lý cho doanh nghiệp thuê. Đại biểu Nguyễn Việt Hưng cho rằng, bán biệt thự theo NĐ 61 nhưng bán cho doanh nghiệp thì không thể theo NĐ 61 được.
Trước hai "luồng" ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thịnh Thành khẳng định, đây là đề án quản lý nhà chứ không phải đề án bán nhà, hơn nữa, việc bán cũng không được lợi cho người nào cả bởi thực tế nếu không được sửa thì các biệt thự cũng rất nhếch nhác.
Đại biểu Lê Văn Hoạt tiếp lời, 970 nhà biệt thự thuộc sở hữu của TP đúng là rất giá trị, theo đó, rà soát cái nào cần giữ, cái nào bán - là vấn đề được HĐND thảo luận nhiều nhất. Theo ông Hoạt, đề án cần được thông qua trên nguyên tắc và giao cho UBND TP cụ thể hóa đề làm sớm bởi đề án này đã "chờ thông qua quá lâu" (đề án đã 2 lần trình mà chưa được thông qua - PV).
Đại biểu Lê Quang Nhuệ "mở lối": 46 biệt thự doanh nghiệp thuê sẽ không bán theo NĐ 61/CP mà để lại, sau này có bán thì đấu thầu hoặc cho thuê lại theo giá mới vì giá cũ trước đây quá ít (một biệt thự 200-300m2 mà tiền thuê chỉ vài ba triệu đồng -NV). Vả lại, doanh nghiệp thuê giờ đã cổ phần hóa hết nên giá thuê thấp là không được, người dân sẽ không đồng tình.
Theo ông Nhuệ, thông qua đề án nhưng UBND TP sẽ rà soát thêm, bởi chính sách quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước TP đã "nợ " Chính phủ gần 1 năm (đáng ra phải xong từ năm trước).
Cuối buổi làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội khóa XIII, đề án Quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP đã được thông qua. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Đức Tân vẫn không bỏ phiếu đồng ý.
Theo VTC News
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet