Cho đến thời điểm này, ước tính còn khoảng 800-1.000 hộ dân trong phạm vi dự án cần phải di dời. Đại diện UBND quận Đống Đa khẳng định, dự án vẫn đang trong quá trình triển khai chứ không phải "treo" như phản ánh của người dân.

Mới thu hồi được gần 1/3 diện tích đất

Năm 2001, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6358/QĐ-UB thu hồi 70.925m2 đất để giao cho Ban QLDA quận Đống Đa triển khai xây dựng dự án Công viên Đống Đa với mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân khu vực và TP, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường… Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, UBND quận Đống Đa đã thành lập Hội đồng GPMB và triển khai các bước khảo sát, lên phương án đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất.

Ông Trương Đình Đức, Trưởng ban Bồi thường - GPMB quận Đống Đa cho biết, trong giai đoạn đầu, quận đã hoàn thành GPMB, thu hồi đất được 22.600m2 đất. Trong đó có 132 hộ dân khu vực ao Thước Thợ và vùng phụ cận với khoảng 10.000m2; khu nhà cháy 6.000m2; khu vực 3 cơ quan, đơn vị (gồm các công ty: Công viên cây xanh, Môi trường đô thị và Công trình giao thông công chính) với khoảng 6.600m2.

Tuy nhiên, sau đó dự án đã phải tạm dừng vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vướng mắc trong GPMB, người dân không hợp tác với các cấp chính quyền và ngăn cản việc lên phương án GPMB, thu hồi đất.

Theo một số người dân trong phạm vi dự án, họ chấp hành chủ trương thu hồi đất của TP để xây dựng công viên. Tuy nhiên, nguyên nhân của việc không hợp tác là do các cơ quan chức năng của quận khẳng định nguồn gốc đất của người dân nơi đây đều là lấn chiếm, nên Nhà nước chỉ hỗ trợ và bồi thường tài sản trên đất, không được đền bù đất và bố trí tái định cư.

Trong khi đó, bà con đã ở ổn định từ trước năm 1993 và từ lâu nơi đây đã hình thành cụm dân cư số 13 phường Trung Liệt (quận Đống Đa). Tính ra, trong số 132 hộ dân di dời đợt đầu, mỗi hộ chỉ được bồi thường 23 triệu đồng. Vì thế, không chỉ bất hợp tác, người dân còn khiếu kiện tới các cơ quan TƯ và TP Hà Nội.

Không phải dự án "treo"

Đó là khẳng định của đại diện UBND quận Đống Đa trong buổi làm việc với PV ngày 21/7. Ngoài lý do vướng mắc GPMB, dự án vẫn đang được các ngành chức năng của TP và quận Đống Đa nghiên cứu, tiếp tục triển khai.

Trước những băn khoăn của người dân về việc đền bù và bố trí tái định cư chưa phù hợp, ông Trương Đình Đức, Trưởng ban Bồi thường - GPMB quận Đống Đa nhấn mạnh, yếu tố dân cư ở đây rất phức tạp, phần lớn từ các nơi khác đến lấn chiếm, rồi xây dựng nhà.

Do vậy, theo luật, đương nhiên sẽ không được đền bù đất và bố trí tái định cư. Các kiến nghị của người dân đều đã được UBND TP, quận Đống Đa trả lời đầy đủ theo đúng quy trình và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, nhằm giải quyết công việc trên theo nguyên tắc vừa có lý, vừa có tình, với các hộ có khó khăn về nhà ở, nếu có đơn đề nghị, UBND TP sẽ xem xét cho phép được mua nhà theo chế độ, chính sách của TP.

Thực tế, giai đoạn đầu, đã có 80/132 hộ được mua căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Hiện tại, các hộ khác đang được xem xét cho mua căn hộ tại dự án nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư.

Theo một số cán bộ quận Đống Đa và phường Trung Liệt, việc người dân nói đã ở ổn định tại đây từ trước năm 1993 và nơi đây đã được chính quyền cho thành lập cụm dân cư số 13 là không có cơ sở. Trong sổ sách hành chính của phường Trung Liệt từ trước tới nay chưa từng có cụm dân cư số 13. Cái tên này là do người dân tự đặt. Cũng theo ông Trương Đình Đức, dù dự án không phải "treo" nhưng trong thời gian tới, việc triển khai cũng rất phức tạp. Bởi, trong phạm vi dự án còn 800-1.000 hộ sinh sống, TP cần xem xét, bố trí số căn hộ tương ứng để di dời số hộ dân này. Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng dự án và đền bù, GPMB cũng phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng...

Theo tìm hiểu của PV Báo Hànộimới, để dự án sớm được triển khai và phát huy hiệu quả, TP đã có chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư và một số doanh nghiệp đã có nguyện vọng tham gia. Theo đề xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn xây dựng công trình, sau đó được kinh doanh một số hạng mục, công trình vui chơi giải trí trong công viên nhằm thu hồi vốn. Về việc di chuyển dân, có thể xem xét xây dựng quỹ nhà trong khu vực dự án để bán cho người dân với giá ưu đãi.

Nhằm chống tái lấn chiếm, gây khó khăn cho việc triển khai dự án sau này, UBND quận Đống Đa đã giao cho UBND phường Trung Liệt, Thanh tra Xây dựng quận quản lý khu vực ao Thước Thợ và khu vực phụ cận; với khu nhà cháy và đất của 3 cơ quan, đơn vị đã thu hồi, giao cho Công an quận Đống Đa tạm thời quản lý.

(Theo HNM)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME