Hà Nội: Dự án công viên 11 năm "bất động"
Trong khi nhiều nơi đang phải cắt xén, giành giật từng ô đất để làm vườn hoa, công viên thì ngay giữa lòng Thủ đô, dự án công viên Đống Đa lại “bất động” hơn 11 năm qua khiến người dân vô cùng bức xúc.
Công viên "treo" và những ngôi nhà trong dự án (ảnh to). Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Dự án công viên xanh thành... bãi rác
“Năm 2000, khi thành phố có chủ trương xây dựng công viên cây xanh Đống Đa, hơn 100 hộ dân khu Ao Thước Thợ chúng tôi đã đồng ý bàn giao nhà, bàn giao đất chuyển đi sống chỗ khác để cho quận triển khai dự án với mong muốn có một công viên cây xanh.Nhưng đến nay, sau hơn 11 năm vẫn chưa thấy hình hài công viên đâu mà có nguy cơ trở thành bãi rác, nơi tập kết phế thải”- bà Lê Thị Hòa, một hộ dân ở khu Ao phường Trung Liệt (quận Đống Đa) tâm sự.
Theo những hộ gia đình ở khu ao Thước Thợ, do dự án bị treo, “bỏ hoang” nhiều năm nên ở những khu vực dự án đã giải phóng mặt bằng (GPMB) nay xuất hiện tình trạng lấn chiếm trở lại.
Tại đây, hiện đã mọc lên các khu nhà xưởng, cùng với đó nhiều hộ dân dựng tạm nhà để kinh doanh, làm nơi chứa vật liệu, phế liệu xây dựng.
“Nhiều khu đất thuộc phạm vi của dự án hiện chỉ là chỗ cho cỏ hoang mọc um tùm, là nơi tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường và tụ kiểm cho những kẻ hút chích. Mong các cơ quan thành phố có câu trả lời chính thức với người dân, để tránh tình trạng đất dự án bỏ hoang mà dân thì sống cơ cực, lo âu” - ông Hoàng Bình - một người dân bức xúc.
Việc dự án kéo dài hơn 11 năm không chỉ làm cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây “treo” theo, mà còn làm tình trạng lấn chiếm đất đai, vi phạm về trật tự xây dựng trở nên phức tạp.
Khu vực dự án hiện nay xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân đua nhau cơi nới, xây nhà cao tầng kiên cố, đặc biệt, ở khu dân cư thường gọi “bãi rác” Thành Công là điểm giáp ranh giữa hai phường (phường Thành Công quận Ba Đình và phường Trung Liệt quận Đống Đa).
“Do địa bàn giáp ranh giữa các phường, do dự án nhiều năm chưa triển khai nên ngoài vấn về an ninh trật tự thì tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cũng rất phức tạp. Chúng tôi đã tổ chức cưỡng chế rất nhiều trường hợp vi phạm trong thời gian qua nhưng việc vi phạm vẫn phức tạp” - một cán bộ Thanh tra xây dựng phường Trung Liệt cho biết.
Chưa biết bao giờ thực hiện
Năm 2001 UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 70.925m2 đất thuộc phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và phường Thành Công (quận Ba Đình) để thực hiện dự án “Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi quận Đống Đa” (hay còn gọi dự án công viên Đống Đa) giai đoạn I.Để triển khai dự án, thành phố đã giao cho Ban quản lý dự án quận Đống Đa là chủ đầu tư.
Ngày 5-12-2001, UBND quận Đống Đa có quyết định thành lập Hội đồng GPMB và tiến hành khảo sát, lập phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người sử dụng đất bị thu hồi nằm trong dự án.
Thế nhưng, sau một thời gian rục rịch triển khai, đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Cụ thể, quận Đống Đa mới di dời được 132 hộ với số diện tích GPMB được khoảng 2,2 ha. Ngoài 132 hộ đã thực hiện GPMB từ năm 2001, trong dự án hiện nay còn có tới gần 1.000 hộ dân đang sinh sống thuộc dự án.
Trao đổi với PV, ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: “Đúng là dự án công viên Đống Đa triển khai quá chậm so với kế hoạch ban đầu. Nguyên do dự án nói trên gặp một số vướng mắc về công tác di dời dân cư cũng như một số khó khăn trong việc thực thi cần được tháo gỡ”.
Mới đây, trước tình trạng dự án “treo” bị “bỏ hoang” nhiều năm qua, UBND thành phố đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với nhà đầu tư, tổ chức thực hiện việc lập, thẩm định và trình duyệt quy hoạch chi tiết công viên Đống Đa, báo cáo trong quý IV-2012.
Sở Xây dựng cũng được giao nhiệm vụ lập phương án chuẩn bị quỹ nhà tái định cư trong quý I-2013 và thực hiện dự án trong năm 2015.
Đặc biệt, thành phố yêu cầu Sở Xây dựng xây dựng cơ chế dự án đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
“Chúng tôi hy vọng khi có cơ chế đặc thù của thành phố dự án sẽ sớm được thực hiện, còn thời gian cụ thể thế nào thì tôi cũng không trả lời được”-một lãnh đạo quận Đống Đa nói.
(Theo TPO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet