Bên cạnh đó, phải tập trung hướng về người dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hài hòa các lợi ích, trong đó đặc biệt chú ý đến quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất… Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB các dự án trên địa bàn.

Hà Nội: Đẩy nhanh GPMB các dự án cần có trọng tâm, trọng điểm | ảnh 1
Dự án tuyến đường bờ phải sông Tô Lịch trên địa bàn quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân. Ảnh: Trọng Hải

Nhiều điểm sáng trong GPMB

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo GPMB TP, trên địa bàn Hà Nội có 1.209 dự án đầu tư có liên quan đến GPMB, với hơn 11.749ha đất phải thu hồi của hơn 208.750 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Số hộ phải bố trí TĐC dự kiến khoảng hơn 18.000 hộ. Đây đều là các dự án lớn, quá trình GPMB có thể phải kéo dài qua nhiều năm. Trong tổng số 1.209 dự án, đến nay toàn TP đã hoàn thành GPMB và bàn giao hơn 2.062ha đất; chi trả 14.857 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 44.019 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; bố trí TĐC cho 1.826 hộ, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH Thủ đô.

Đặc biệt, TP đã tập trung tháo gỡ và từng bước giải quyết những tồn tại của các dự án dở dang, chuyển tiếp, không để tình hình phức tạp xảy ra; kịp thời rút kinh nghiệm công tác GPMB các dự án mở rộng đường Nguyễn Khuyến, các khu đô thị Mỗ Lao - Lê Trọng Tấn - Dương Nội - An Hưng trên địa bàn quận Hà Đông; Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Sóc Sơn; gói thầu số 18 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây tại quận Tây Hồ…

Với sự tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ từ TP cho tới địa phương, một số khu vực vẫn được coi là điểm nóng, tồn đọng lâu năm cũng kịp thời được giải quyết như tại dự án tuyến đường bờ phải sông Tô Lịch trên địa bàn quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân; khu xử lý rác thải Xuân Sơn tại thị xã Sơn Tây… Một số địa phương được đánh giá là điểm sáng trong việc GPMB của TP, như Sóc Sơn, Từ Liêm, Tây Hồ, Gia Lâm, Đông Anh, Long Biên, Mê Linh, Hoàng Mai, Thanh Oai…

Nhằm từng bước chủ động đáp ứng quỹ nhà TĐC phục vụ GPMB, Hà Nội đã triển khai nhiều phương án. Cụ thể, tại khu vực các quận, TP xây dựng các khu TĐC tập trung (khu Nam Trung Yên, khu Đền Lừ, khu 5,3ha Dịch Vọng, khu Tây nam Đại học Thương mại, khu Tây nam Kim Giang; đồng thời xây dựng, đặt hàng tại quỹ đất ở 20% ở các dự án khu đô thị bàn giao lại cho TP để làm quỹ nhà TĐC.

Ở ngoại thành, các dự án TĐC bằng đất ở phục vụ cho từng dự án hoặc các dự án lân cận trên địa bàn huyện như các khu TĐC phục vụ dự án cầu Thanh Trì, khu TĐC thị trấn Trâu Quỳ, khu TĐC Phú Cát phục vụ các dự án khu vực Hòa Lạc, khu TĐC Xuân Phương và Phú Diễn phục vụ TĐC dự án QL32 và các dự án trên địa bàn huyện Từ Liêm. Ngoài ra, TP cũng đang khẩn trương triển khai xây dựng 9 khu đô thị phục vụ TĐC trên địa bàn TP đến năm 2020.

Tránh tình trạng dễ làm, khó bỏ

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Trịnh Hòa Bình, Phó Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP cho rằng, cơ chế, chính sách từ TƯ ban hành vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho các địa phương trong việc thực thi nhiệm vụ; việc thực hiện quy trình GPMB, nhất là yêu cầu thực hiện công khai, dân chủ, xử lý kịp thời kiến nghị, thắc mắc, khiếu kiện của người bị thu hồi đất tại một số dự án chưa được quan tâm hoặc thực hiện chưa nghiêm túc. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân trong phạm vi thu hồi đất còn thấp, có các hành vi cố tình cản trở việc tổ chức thực hiện GPMB của các cơ quan chức năng…

Về việc GPMB trong năm qua và các tháng đầu năm 2012, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đánh giá, công tác GPMB ở một số dự án còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và TP, nhất là các dự án giao thông, dự án hạ tầng xã hội. Một số đơn vị còn mắc lỗi trong áp dụng, đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC. Có nơi và có đơn vị chủ đầu tư chưa chuẩn bị đủ các điều kiện về vốn, nhà đất TĐC (nhất là các dự án đầu tư theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao)… Trong quá trình triển khai GPMB, không phải dự án nào cũng suôn sẻ. Có một số dự án phải tổ chức cưỡng chế, nhưng cơ bản vẫn giữ được ổn định chính trị, trật tự xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại, tố cáo. Điểm tích cực là tại nhiều địa phương, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc. Nhiều đơn vị đã làm tốt công tác đối thoại với dân nhằm giải quyết các vướng mắc trong việc GPMB.

Phó Chủ tịch nhấn mạnh, muốn làm tốt công tác GPMB phải bắt đầu từ cơ sở, xuống tận dân và bám sát tâm tư nguyện vọng chính đáng của dân. Cán bộ không được quan liêu, phải tránh tình trạng dễ làm khó bỏ, nhất là tại các dự án trọng điểm, bức xúc. Năm 2012 và các giai đoạn tiếp theo, toàn TP phải tập trung đẩy nhanh tiến độ, không dàn hàng ngang để tiến mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Khi GPMB, hội đồng GPMB các địa phương phải chú trọng chăm lo quyền lợi của người sử dụng đất, cố gắng vận dụng tối đa cơ chế chính sách theo hướng có lợi nhất cho người dân. Trước khi đưa dân đến nơi TĐC, các cơ quan liên quan phải kiểm tra kỹ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng cơ sở…

(Theo HNM)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME