Hà Nội đặt mục tiêu giữ hồ, xây thêm công viên
Sáng 8/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, tập thể UBND TP đã thông qua dự thảo Quy hoạch hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh và hồ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Nhiều hồ nước trên địa bàn thành phố đã được tu bổ, tạo diện mạo mới cho cảnh quan đô thị. Ảnh: Trà My |
Mục tiêu cụ thể của quy hoạch được tập thể UBND TP Hà Nội thống nhất là sẽ cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 60 công viên, vườn hoa trong nội đô. Đối với khu vực đô thị lõi mở rộng sẽ hình thành 7 khu vực đặc thù, trong đó khu vực Quang Minh - Chi Đông (Mê Linh) sẽ hình thành công viên sinh thái nông nghiệp (trồng hoa, cây cảnh) gắn với du lịch; khu vực Văn Khê - Mê Linh sẽ hình thành công viên TDTT; khu vực Vân Trì - Sơn Du (Mê Linh) là công viên sinh thái, dã ngoại kết hợp du lịch; khu vực Cổ Loa - Việt Hùng (Đông Anh) là công viên vui chơi giải trí, giáo dục, sinh thái; khu vực Xuân Canh - Đông Hội (Hoài Đức) là công viên TDTT; khu vực Yên Thường - Ninh Hiệp và Trâu Quỳ - Đa Tốn (Gia Lâm) hình thành công viên sinh thái, nghiên cứu khoa học…
Ở phạm vi hẹp hơn, nhưng là một trong những điểm nhấn nổi bật trong quy hoạch công viên là chuỗi đô thị khu vực bắc sông Hồng cũng được xác định bản đồ phân bố công viên, vườn hoa với những cái tên mới như công viên sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, tổ hợp TDTT ở Mê Linh; khu sinh thái sông Cà Lồ, khu sinh thái Đông Anh (270ha), làng văn hóa ASEAN (72ha), công viên văn hóa Kim Quy (50ha), trung tâm thể thao ASIAD (250ha), công viên Wonderland (95ha) và khu vườn ươm.
Đối với các sông, hồ, dự thảo quy hoạch đề xuất quan điểm định hướng phát triển là "hạn chế lấp hồ, thu hẹp lòng sông". Tuy nhiên, các thành viên UBND TP khẳng định quan điểm nhất quán đối với quy hoạch này là "Không cho phép lấp hồ hay thu hẹp lòng sông". Quy hoạch sẽ phải hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Trước mắt, trong 3 năm tới, Hà Nội sẽ triển khai cải tạo 33 hồ trong 7 quận nội thành và huyện Từ Liêm với tổng kinh phí 1.601,82 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA và xã hội hóa.
Việc thực hiện quy hoạch dự kiến chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1: từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các công viên và hệ thống mặt nước hiện có; phát triển quy mô đất trồng cây xanh đô thị khoảng 5.100ha, ưu tiên đầu tư xây dựng 29 công viên (16 công viên trong nội đô, 6 công viên thuộc khu vực nêm xanh sông Thiếp, 7 công viên thuộc vành đai xanh sông Nhuệ) với tổng diện tích 2.900ha, kinh phí thực hiện khoảng 51.181 tỷ đồng (46% vốn ngân sách). Giai đoạn 2 đến năm 2030, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống vành đai xanh, nêm xanh sông Nhuệ và sông Thiếp; tăng cường mạng lưới cây xanh tại các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái gắn với cảnh quan mặt nước sông Đáy, sông Tích, rừng tự nhiên…
Trong tương lai không xa, Cổ Loa sẽ là công viên vui chơi, giải trí, giáo dục, sinh thái. |
Kết luận về dự thảo quy hoạch này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thống nhất cơ bản các nội dung. Tuy nhiên, Chủ tịch lưu ý, những yếu kém trong quản lý thời gian qua đã để tình trạng lấn chiếm, san lấp sông, hồ diễn ra phức tạp. Đây là vấn đề phải được làm rõ trong quy hoạch từ thực trạng đến giải pháp khắc phục. Lưu ý yêu cầu tuân thủ quy hoạch chung, trên tinh thần ưu tiên nguồn lực, tăng cường quản lý, kết hợp bảo tồn, cải tạo, nâng cấp và phát triển, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Tất cả phải nhằm hướng vào thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã thống nhất tờ trình bổ sung, sửa đổi một số loại phí, lệ phí trình HĐND TP tại kỳ họp đầu tháng 12 tới. Đáng chú ý là đề xuất thu phí tham quan Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long với mức từ 30.000-40.000 đồng/người/lượt. Ngoài ra, tờ trình đề xuất tăng phí sử dụng hè, lề đường, bến bãi làm điểm trông giữ xe. Cụ thể, các huyện ngoại thành (ngoại trừ một phần huyện Từ Liêm) và thị xã Sơn Tây được đề xuất giữ nguyên mức phí cũ là 20.000 đồng/m2/tháng. Các quận nội thành và một số tuyến phố thuộc huyện Từ Liêm được đề xuất tăng lên các mức từ 30.000 đồng đến 80.000 đồng/m2/tháng tùy từng khu vực cụ thể. Được đề xuất tăng cao nhất là khu vực quận Hoàn Kiếm.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thống nhất quan điểm sẽ từng bước xóa bỏ toàn bộ việc trông giữ xe dưới gầm các cầu cạn, cũng như không cho phép trông giữ xe dưới gầm các đường trên cao. Do đó, quy định phí, lệ phí mới sẽ không có nội dung liên quan đến khu vực này.
(Theo HNM)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet