Hà Nội: Đất dịch vụ "mắc kẹt" vì BĐS "đóng băng" | ảnh 1
Người  dân xã An Khánh, huyện Hoài Đức đang sốt ruột chờ tới lượt được giao đất dịch vụ

Tới kỳ trả nợ vẫn chưa thấy đất

Từ giữa năm 2011, vấn đề đất dịch vụ (đất Nhà nước trả cho hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ các dự án) trở nên căng thẳng bởi rất nhiều dự án thu hồi đất từ năm 2008, 2009 đã tới hạn phải trả đất cho người dân. Đặc biệt, tại các huyện phía tây, nơi có mật độ dự án thu hồi đất dày đặc, người dân liên tục yêu cầu thành phố phải sớm giao đất dịch vụ. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân huyện Hoài Đức “tha thiết đề nghị thành phố tập trung giải quyết dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho nhân dân”. Tương tự, người dân Quốc Oai cũng đề nghị thành phố sớm giải quyết việc cấp đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất cho dự án Đại lộ Thăng Long, công trình đã được khánh thành vào đầu tháng 10-2010. Ông Nguyễn Văn Phúc (Hoài Đức, Hà Nội) nói: “Chính quyền được nợ đất dịch vụ trong vòng 3 năm. Dự án đã tới kỳ thì phải trả nợ. Đây là việc thành phố phải quan tâm và chính sách cũng đã quy định rõ. Thu hồi diện tích bao nhiêu thì trả đất dịch vụ 10% tương ứng để đảm bảo quyền lợi của người dân”.

Theo UBND TP Hà Nội, tổng số hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, đủ tiêu chuẩn được giao đất dịch vụ khoảng 62.044 hộ dân, tương đương nhu cầu gần 1.000ha đất. Xác định đây là khối lượng công việc lớn, ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người dân, từ cuối năm 2011, TP Hà Nội đã yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị xong quỹ đất trong nửa đầu năm 2012 để làm hạ tầng, kịp hoàn thành việc giao đất cho các hộ gia đình (kể cả việc quyết định giao đất trên bản đồ) xong trước tháng 6-2013. Tuy nhiên, tới thời điểm này, hầu hết các quận, huyện của Hà Nội đều chưa chuẩn bị xong quỹ đất để bố trí cho dân. Hiện nay, mới chỉ có UBND quận Hà Đông giao được 7,58ha đất dịch vụ cho 1.545 hộ gia đình, đạt khoảng 1% tổng diện tích phải trả.

Thiếu hàng nghìn tỷ đồng

Tại huyện Mê Linh, tổng diện tích đất dịch vụ huyện Mê Linh phải bố trí trả cho dân lên tới gần 68ha. Tương tự, tại huyện Hoài Đức, số hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp là 14.340 hộ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dự án đô thị lớn trên địa bàn các huyện này vẫn đang trong tình trạng GPMB dở dang, chậm tiến độ vì quyền lợi của người dân chưa được giải quyết hợp lý. Nhiều năm qua, người dân bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng vẫn chưa được cấp đất dịch vụ. Cũng như Mê Linh, nguồn thu của nhiều huyện ngoại thành khác chủ yếu có được qua đấu giá quyền sử dụng đất. Song, do thị trường bất động sản “đóng băng”, đất đấu giá ế ẩm nên nguồn thu chính này giảm rất mạnh. Hệ quả tất yếu là chính quyền không có kinh phí để thực hiện các dự án đất dịch vụ. Đơn cử, chỉ riêng huyện Hoài Đức hiện đang thiếu hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án đất dịch vụ.

Lo ngại “vỡ nợ”

Trước khả năng không đủ đất để trả nợ cho dân, UBND huyện Mê Linh đã báo cáo thành phố cho phép điều chỉnh chính sách bồi thường về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền, nên đã giải quyết được trên 30ha đất dịch vụ. Huyện này cũng đề nghị UBND TP cho phép sử dụng đất thương phẩm trong dự án Khu đô thị thuộc các xã Tiền Phong, Thanh Lâm và thị trấn Chi Đông với diện tích 12,7ha để giải quyết nhu cầu về đất dịch vụ, nhưng do chưa có hướng dẫn của các sở, ngành nên huyện vẫn lúng túng trong triển khai. Mê Linh còn đề nghị các chủ đầu tư hỗ trợ bồi thường bằng tiền, đồng thời rà soát quy hoạch nông thôn mới, đề xuất các vị trí đất xen kẹt khoảng 5.000m2 báo cáo thành phố cho phép tạo quỹ đất dịch vụ và đấu giá để trả cho dân.

Quá bí nguồn lực, huyện Hoài Đức cũng mạnh dạn đề nghị thành phố chấp thuận cho huyện được để lại 100% tiền sử dụng đất của các dự án đô thị nộp còn thiếu (khoảng 850 tỷ đồng) và được vay vốn từ Quỹ phát triển đất thành phố để thực hiện các dự án đất dịch vụ. Hoài Đức cũng đề xuất được thành phố cho phép quy hoạch một số khu đất để đấu giá, tạo nguồn vốn cho địa phương.

Những giải pháp trên đều không dễ thực hiện trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng và doanh nghiệp kiệt quệ hiện nay. Trong khi đó, quỹ thời gian còn lại (tới tháng 6-2013) là không nhiều. Nếu các quận, huyện không đưa ra được những giải pháp linh hoạt hơn, khả năng các địa phương bị “vỡ nợ”, không trả nổi đất dịch vụ đúng hẹn cho người dân sẽ rất cao.

(Theo ANTĐ)


- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME