Hà Nội công khai danh sách 9 dự án nhà ở chây ì quỹ bảo trì
Sau nhiều năm đưa dân vào ở, chủ đầu tư của 9 dự án nói trên vẫn chưa bàn giao 2% quỹ bảo trì cho Ban quản trị theo quy định.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã chính thức công khai "danh tính" các chủ đầu tư, công trình cao tầng chưa bàn giao quỹ bảo trì 2% phần sở hữu nhà chung cư cho Ban quản trị. Trong số này, có nhiều dự án đã bàn giao nhà cho dân vào ở từ 7 năm nay.
Dưới đây là danh sách 9 dự án chưa bàn giao quỹ bảo trì mà Sở Xây dựng vừa công bố:
STT | Tên chủ đầu tư | Tên dự án |
1 | Công ty cổ phần Xây dựng số 3 | CT1 Khu nhà ở Trung Văn, quận Nam Từ Liêm |
2 | Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ba Đình số 1 | Chung cư CT5AB Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông |
3 | Công ty cổ phần Tập đoàn Bắc Hà | Chung cư Bắc Hà C14, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm |
4 | Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng số 18 (COMA18) | Chung cư Westa, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông |
5 | Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Hạ tầng Phúc Hà, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (Vinaconi) | Chung cư Nam Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông |
6 | Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng | Nhà chung cư CT3 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm |
7 | Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 | Chung cư Hemisco, phường Phúc La, quận Hà Đông |
8 | Công ty cổ phần Xây dựng số 2 - Vinaconex | Tháp C1, VC2 Golden Silk Khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai |
9 | Công ty cổ phần Sông Đà 1 | Chung cư CT4, Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông |
Cũng theo thông tin từ Sở Xây dựng, cơ quan này đã gửi báo cáo lên UBND TP, trong đó đề nghị TP ban hành văn bản đốc thúc chủ đầu tư các dự án trên bàn giao đầy đủ phí bảo trì cho ban quản trị.
Sở cũng xác nhận, 9 dự án trên mới chỉ là con số dự án mà cơ quan quản lý gửi thông báo. Còn thực tế, tình trạng này xảy ra ở nhiều dự án khác và Sở sẽ từng bước công khai danh sách theo lộ trình và đúng quy định.
Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, khi bán nhà cho cư dân, chủ đầu tư cần trích 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích nhà bán, cho thuê mua để lập quỹ bảo trì chung cư... Sau khi thu khoản kinh phí này từ người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích nhà thì chủ đầu tư cần lập tạm tài khoản để quản lý quỹ này. Khi tòa chung cư có Ban quản trị, khoản tiền này sẽ được bàn giao lại để quản lý, sử dụng trong quá trình vận hành tòa nhà theo quy định.
Cách đây vài tháng, Bộ Xây dựng có gửi báo cáo lên Chính phủ, trong đó Bộ chỉ ra 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản với tỷ lệ tranh chấp liên quan đến phí bảo trì lên tới 36% (trên 108 dự án có tranh chấp). Thực tế cho thấy, những tranh chấp này đều diễn ra dai dẳng, khó giải tại nhiều dự án ở Hà Nội, nhất là ở những tòa chung cư đã bàn giao nhiều năm và bắt đầu xuống cấp.
Trong báo cáo, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ bổ sung các chế tài, xử lý nghiêm khắc với các chủ đầu tư, cá nhân vi phạm. Bộ cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet