Hà Nội: Chuyển đất xen kẹt thành đất ở trong 43 ngày
Theo quyết định của UBNDTP Hà Nội vừa ban hành, thời gian làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt, đất vườn ao liền kề của hộ gia đình, cá nhân tiến hành trong khoảng 43 ngày, kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ.
Theo quy định này, đất xen kẹt được hiểu là đất bao gồm vườn ao và đất nông nghiệp xen kẹt.
Đất vườn ao nằm trong thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng chưa được công nhận đất ở là đất nằm trong phạm vi khu dân cư đã được xác định ranh giới theo quy hoạch (trường hợp chưa có quy hoạch thì xác định theo ranh giới hiện trạng của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư).
Đất xen kẹt đồng thời là phần diện tích được xác định là đất vườn, ao khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Tương tự, đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư là đất nằm trong phạm vi khu dân cư có đặc điểm như đối với đất vườn ao nói trên.
Theo quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn, Thành phố cho phép người sử dụng đất vườn ao, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, theo Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội - Vũ Văn Hậu, hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất phải là người chấp hành tốt pháp luật về đất đai ở địa phương, có văn bản cam kết bàn giao cho các tổ chức quản lý chuyên ngành phần diện tích nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, đê, kênh mương, di tích lịch sử văn hóa, công trình an ninh quốc gia, thoát lũ..; bàn giao cho UBND xã phường, thị trấn diện tích nằm trong phạm vi chỉ giới mở đường quy hoạch, lối đi chung; nộp nghĩa vụ tài chính khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Quy trình giải quyết hồ sơ
Theo quy định, UBND quận huyện, thị xã có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Theo quy định, người xin chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất (đối với đất vườn liền kề trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư); nộp 100% tiền sử dụng đất (đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư) theo khung giá đất ở khu vực do Thành phố ban hành hằng năm. |
UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm: Trích lục thửa đất xin chuyển mục đích (nếu đã có bản đồ địa chính), hoặc đề nghị văn phòng đăng ký đất và nhà lập bản đồ trích đo địa chính; thẩm tra, xác minh hiện trạng sử dụng đất, lập tờ trình gửi UBND quận, huyện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thông báo công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn (trong 3 ngày).
Thời gian giải quyết hồ sơ của UBND phường, xã, thị trấn không quá 13 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian trích đo bản đồ). Trường hợp không đủ điều kiện, phải trả lời bằng văn bản.
Phòng TN&MT quận huyện là đầu mối thẩm định hồ sơ có trách nhiệm thẩm định sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thẩm định tác động về môi trường (nếu chuyển mục đích thành đất sản xuất, kinh doanh).
Tiếp đó, phòng Quản lý đô thị (hoặc phòng Công Thương đối với các huyện) sẽ cung cấp thông tin về phạm vi hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch kiến trúc, chứng chỉ quy hoạch.
Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết đô thị hoặc điểm dân cư, phải thực hiện theo quy định về phân cấp thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn...
Nếu đủ điều kiện, Phòng TN&MT lập tờ trình để Chủ tịch UBND quận huyện ra quyết định cho phép chuyển mục đích và cấp giấy chứng nhận (các công vụ trên thực hiện trong thời gian 30 ngày, kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian bổ sung, giải trình hồ sơ).
Theo quy định của Thành phố, quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, UBND các quận huyện phải phản ánh kịp thời về Sở TN&MT để báo cáo Thành phố xem xét, quyết định.
“Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay, vì vậy các quận huyện có thể thụ lý giải quyết hồ sơ cho dân, không cần phải chờ hướng dẫn của Thành phố” - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết.
Theo Tiền Phong
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet