Hà Nội cân đối nguồn vay làm tuyến đường sắt đô thị số 3
Để việc vay vốn cho dự án đường sắt đô thị số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai không làm tổng dư nợ vay vượt quy định, Hà Nội sẽ cân đối nguồn vay và trả nợ gốc.
Để kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ Nhổn - ga Hà Nội, dự án đường sắt đô thị số 3 cần được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, UBND TP. Hà Nội cho biết trong văn bản giải trình gửi Bộ KH&ĐT về đề xuất dùng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để thực hiện tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.
Sau khi hoàn thành, dự án cũng sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 đang được triển khai tại ga Hàng Bài. Khi đó, sự gắn kết mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội giai đoạn đầu (gồm tuyến 1,2, 2A và 3) sẽ giải quyết cơ bản việc vận tải hành khách công cộng tại đô thị trung tâm Hà Nội.
Tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dự kiến khoảng 1,225 tỷ USD (27,685 nghìn tỷ đồng) lấy từ vốn đối ứng từ ngân sách thành phố, vốn vay nước ngoài và từ các nguồn khác.
Hà Nội lập phương án trả nợ vốn ODA làm tuyến đường sắt đô thị số 3 |
Bộ KH&ĐT cho hay, dự án chưa được đưa vào danh mục dự kiến tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2018-2020, theo thông tin trong biên bản ghi nhớ của Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tháng 4/2017.
Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án đã được Đoàn chương trình ADB đưa vào trạng thái chờ năm 2020 được tài trợ với số tiền 450 triệu USD. Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) cũng đề nghị tài trợ 200 triệu Euro dưới hình thức vay ưu đãi không ràng buộc.
Theo UBND TP. Hà Nội, về khả năng trả nợ của ngân sách thành phố, mức dư nợ vay được quy định không vượt quá 70% số thu ngân sách của địa phương. Vì thế, năm 2017, dư nợ huy động tối đa của Hà Nội là khoảng 53.000 tỷ đồng.
Tính đến hết 31/7/2017, 8.284 tỷ đồng là tổng dư nợ của thành phố. Dự kiến, đến cuối năm 2017, tổng dư nợ là 12.021 tỷ đồng. Dự kiến, trong những năm tiếp theo, TP. Hà Nội có thể vay thêm khoảng 40.979 tỷ đồng, chưa trừ giảm dư nợ do trả nợ gốc đến hạn.
Hiện nay, mức tăng trưởng trung bình của TP. Hà Nội dự kiến là 9%/năm. Vì vậy, nếu thực hiện dự án, đến giai đoạn 2020-2025, ngân sách thành phố sẽ có mức dư nợ vay cao hơn hiện nay. Mức giới hạn vay cũng được tăng khi mức thu ngân sách địa phương tăng do kinh tế tăng trưởng.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội khẳng định, để việc vay vốn cho dự án không làm cho tổng dư nợ vay vượt quy định, thành phố sẽ cân đối các nguồn vay và trả nợ gốc trong giai đoạn 2020-2025. Các phương án cụ thể sẽ được tính toán trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khi chủ trương đầu tư được phê duyệt.
Hà Nội cũng thông tin, các bộ, ngành đã cơ bản đồng thuận đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3 từ Quảng trường 1/5 (phố Trần Hưng Đạo) đến Yên Sở (Hoàng Mai).
Đây là tuyến đường có lượng hành khách lớn. Sau khi được hoàn thành, tuyến sẽ kết nối các khu dân cư lớn ở khu vực Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet