Hà Nội: Bùng nổ tranh chấp diện tích chung cư | ảnh 1
Ông Nguyễn Ngọc Phú phản đối việc dùng tầng kỹ thuật tòa nhà 102 Thái Thịnh để mở quán ăn. Ảnh: Minh Tuấn.

Đủ kiểu khiếu kiện

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Tổ trưởng dân phố số 24 phường Trung Liệt, quận Đống Đa dẫn PV vào khu vực tầng M của toà nhà Hà Thành Plaza 102 Thái Thịnh (chủ đầu tư là Cty Thương mại và XNK tổng hợp Hà Nội).


Mặc dù là tầng kỹ thuật nhưng từ lâu nơi đây đã thành nhà hàng. Chủ đầu tư cũng chia một nửa diện tích tầng hầm và khuôn viên toà nhà để kinh doanh.

Hà Nội hiện có hơn 1.000 toà chung cư và đang được quản lý theo 3 hình thức gồm chủ đầu tư, Ban quản trị được dân bầu và Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội.
Một số hộ dân sống tại Hà Thành Plaza còn cho hay, trong suốt 5 năm qua họ nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư về việc thành lập ban quản trị, minh bạch các khoản thu chi nhưng không được hồi âm.

“Điện, nước chúng tôi cũng chưa được ký trực tiếp với đơn vị cung cấp mà phải thông qua chủ đầu tư với giá cao”-ông Phú nói.

Tại khu căn hộ 96 Định Công, ông Nguyễn Mạnh Chiến, chủ căn hộ A6 cũng cho biết, hàng trăm m2 tầng 1 đã bị chủ đầu tư là Cty CP Mộc và Xây dựng Hà Nội cho thuê; 2 cầu thang bộ lên khu thương mại bị phá bỏ để tăng mặt bằng kinh doanh, chia tầng 19 là tầng kỹ thuật thành căn hộ để bán...

Cũng tại phường Định Công, mâu thuẫn căng thẳng phát sinh từ việc quản lý vận hành khu nhà CT1A và CT1B do Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Bí thư Chi bộ khu dân cư 19 cho hay, 2 khu nhà nêu trên có tổng số 274 căn hộ mới xây nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, điện, nước, thang máy thường xuyên gặp sự cố, ngoài ra việc sử dụng sân chơi của khu nhà làm bãi đỗ xe kinh doanh cũng không được xử lý kịp thời…

Do thiếu minh bạch trong xác định sở hữu

Trong báo cáo gửi UBND TP Hà Nội đầu tháng 7-2012, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, sau khi kiểm tra tại 12 dự án khu căn hộ trên địa bàn các quận, huyện Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, Từ Liêm..., đã phát hiện nhiều bất cập trong đầu tư, quản lý, khai thác nhà chung cư.

Nhiều chủ đầu tư vi phạm trong sử dụng diện tích sở hữu chung, kinh doanh chưa được hạch toán công khai, chi phí chưa được tính bù vào giá dịch vụ; các khoản thu phát sinh từ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ cho toà nhà chưa công khai (như quảng cáo, thu thêm tiền của các hộ không chính chủ...); nội dung hợp đồng mang tính áp đặt với các hộ dân...

Về tình trạng tranh chấp tại các chung cư hiện nay, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, bản chất là do sự thiếu minh bạch trong xác định sở hữu chung – riêng và mâu thuẫn này đang ngày càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các biện pháp hậu kiểm công trình sau khi đưa vào sử dụng còn rất hạn chế, nhất là việc xác định sở hữu chung - riêng giữa chủ đầu tư với cư dân.

Quy định của pháp luật là chủ đầu tư phải xúc tiến thành lập ban quản trị sau khi có tối thiểu 50% các hộ dân vào ở nhưng nếu chủ đầu tư cố tình không thành lập cũng chưa có chế tài xử lý.

Cũng theo Sở Xây dựng, mâu thuẫn kéo dài một phần cũng do năng lực của ban quản trị nhiều chung cư thiếu chuyên nghiệp, tiếng nói và khả năng đấu tranh với vi phạm của chủ đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân cũng chưa cao...

(Theo TPO)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME