Hà Nội: Bao giờ mới có sân chơi cho trẻ đúng nghĩa?
Sân chơi cho trẻ em là một trong những không gian thường gắn với các khu tập thể, khu vực dân cư nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của trẻ em trong đô thị. Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển, các khu đô thị ngày càng được mở rộng thì quỹ đất dành để xây dựng sân chơi cho các em cũng bị thu hẹp dần, không đáp ứng đủ yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng.
Thiếu chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ
Tại nhiều khu tập thể cũ trên địa bàn TP. Hà Nội như: khu tập thể Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) khu tập thể Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)…, mật độ xây dựng cao, tập trung đông dân cư nhưng lại thiếu quỹ đất cho vườn hoa, sân chơi cho trẻ. Đấy là chưa kể đến việc vườn hoa, sân chơi vốn đã quá tải và chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, rồi sử dụng sai mục đích như làm chỗ trông xe, bán hàng…
Bên cạnh đó, tại một số khu nhà ở, khu đô thị mới, các chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc dành ra một phần quỹ đất để xây khu vui chơi chung cho trẻ em. Điều này cho thấy không gian sống chung tại các khu vực trên chưa được quan tâm, đồng thời công tác quản lý chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng “giơ cao đánh khẽ” và chưa xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm. Do đó, ngày này qua ngày khác, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những bãi để xe, hàng quán, chợ cóc ngang nhiên lấn chiếm mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Thậm chí, nhiều trường bị lực lượng chức năng thu giữ hàng quán nhưng ngày hôm sau được trả lại và lại tiếp tục ngồi bán trái phép…
Theo thống kê tại riêng TP. Hà Nội, có khoảng 200 điểm sân chơi, vườn hoa công cộng, cụ thể có 4 quận nội đô lịch sử có 29 điểm vườn hoa và khu vui chơi công cộng (đấy là chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu tập thể cũ, khu chung cư).
Thời gian qua, TP. Hà Nội cũng đã quan tâm và chỉ đạo đầu tư xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí, song những khu vui chơi dành riêng cho trẻ em vẫn chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Hội KTS Hà Nội, KTS. Lê Văn Lân cho hay, hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước đây chất lượng xuống cấp và thiếu hấp dẫn. Đồng thời, trang thiết bị tại các khu vui chơi (vườn hoa, sân chơi) cho trẻ em đã lạc hậu, chất lượng kém, thiếu hấp dẫn, nhất là khu vực các quận nội đô và khu đô thị cũ.
Vào năm 1962, các khu đất giữa các ngôi nhà 5 tầng ở Kim Liên bắt đầu được thiết kế và thi công hệ thống sân vườn bao gồm: Sân chơi cho trẻ em, nơi thu rác, đường dạo, nơi phơi phóng,… cùng với cây cảnh, cây bóng mát, cây hàng rào. Nhưng tiếc là chỉ vài năm sau, TP. Hà Nội bắt đầu phải sơ tán. Hi vọng hoàn thiện các khu ở đã không thể thực hiện, cùng với sự buông lỏng quản lý nên các khoảng trống trong các khu ở, đặc biệt là ở các khu tập thể đã bị chiếm dụng để cơi nới nhà, trồng rau, làm chỗ chăn nuôi, để xe…
Hà Nội vẫn còn thiếu nhiều khu vui chơi hiện đại, tiện ích dành cho trẻ em như tại công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) |
Sau khi hòa bình chuẩn bị được lập lại trên miền Bắc, TP. Hà Nội đã xây dựng cho các cháu một nhà văn hóa thiếu nhi trên một khu đất hạn chế, song cũng đã đáp ứng phần nào yêu cầu vui chơi và sinh hoạt của các cháu.
Nhưng nếu chỉ dựa vào những cơ sở như Cung thiếu nhi thì không thể nào đáp ứng được với một số lượng trẻ em đông như hiện nay, kể cả khi mỗi quận, huyện đều có một cơ sở như vậy.
Sự vào cuộc của các KTS tình nguyện
Trên thực tế, sân chơi cho trẻ em tại khu dân cư Hà Nội đang thiếu hụt trầm trọng. Đây là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Trong thời gian qua, nhiều sáng kiến đã góp phần cải thiện tình trạng này, trong đó có sự tham gia đóng góp của các KTS tình nguyện. Với lòng nhiệt huyết của mình, các KTS này đã tạo nên những sân chơi tuy đơn giản nhưng thực sự làm cho các em nhỏ hạnh phúc và vui sướng.
Giải đáp cho câu hỏi: Làm sao để có nhiều những sân chơi bổ ích; làm sao để các trang thiết bị cho các cháu an toàn và đa dạng hơn, làm sao để các tổ chức đoàn thanh niên có được những kế hoạch thiết thực cũng như sự quan tâm thường xuyên của mỗi tổ dân phố…?, những KTS Hà Nội đã phối hợp với nhiều bên tham gia khảo sát và đánh giá hiện trạng, sau đó tìm giải pháp thực nghiệm bằng nhiều hướng khác nhau để tác động tới sự quan tâm của xã hội như tham gia thảo luận trên các diễn đàn truyền thông nhằm bảo vệ không gian công cộng từ năm 2008 (trong đó có các sân chơi cho trẻ em tại các khu dân cư Hà Nội).
Theo đại diện các thành viên của nhóm KTS tình nguyện, KTS Trần Duy Ánh, từ năm 2010 đến nay, KTS tình nguyện đã bắt tay tham gia phát triển không gian công cộng tại các khu dân cư tại Hà Nội, Hòa Bình, Hội An, … Cụ thể, đã hoàn thành cũng như đề xuất nâng cấp cải tạo các sân chơi tại nhiều khu dân cư thuộc các phường trên địa bàn Hà Nội. Chẳng hạn như nhóm KTS tình nguyện đã hoàn thành xong 2 sân chơi mini cho trẻ em và thanh niên tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Đây là công trình đảm bảo độ an toàn, đúng quy trình kỹ thuật và mỹ quan đô thị, được người dân đánh giá cao, góp phần nâng cao hoạt động thể chất và tạo không gian hoạt động tập thể, mang lại hiệu quả cao về mặt xã hội…
Đối với sự phát triển đô thị hiện nay, nhu cầu có các địa điểm vui chơi ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất thiếu. Theo một số ý kiến, nguyên nhân của việc này một phần là do sự vào cuộc chưa quyết liệt của các sở, ngành. Do đó, việc trước mắt là TP cần chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhanh các giải pháp nhằm xây dựng hệ thống sân chơi, công viên, vườn hoa, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân nói chung một cách tốt nhất, đồng thời mang lại cho trẻ em nói riêng những sân chơi theo đúng nghĩa: An toàn - bổ ích, đáp ứng nhu cầu cả về chất và lượng…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet