Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng: Tiền khó về vì thủ tục cản lối
Sau hơn hai tháng triển khai gói 30.000 tỉ đồng, đến thời điểm hiện tại vẫn còn quá ít người dân và doanh nghiệp thật sự khó khăn có thể tiếp cận được. Theo chân một số khách hàng có nhu cầu mua nhà đến các ngân hàng làm thủ tục vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng mới thấy được nỗi gian truân.
Chạy từ Nam ra Bắc
Doanh nghiệp vay trước, cá nhân vay sau NH Nhà nước vừa có công văn gửi HoREA trả lời những thắc mắc của hiệp hội này về vấn đề triển khai gói 30.000 tỉ đồng. Cụ thể về mục tiêu của gói 30.000 tỉ, NH Nhà nước khẳng định nghị quyết 02 không đề cập vấn đề giải cứu thị trường bất động sản hay giải phóng hàng tồn kho, mà đề ra giải pháp nhằm hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở để góp phần giải phóng hàng tồn kho và lan tỏa tới thị trường bất động sản. Riêng tỉ lệ cho vay, giai đoạn đầu các NH có kế hoạch đẩy mạnh giải ngân cho DN để tăng cung nhà ở xã hội và giai đoạn sau sẽ đẩy mạnh cho vay với người mua nhà khi cung trên thị trường đã dồi dào. Riêng vấn đề tài sản đảm bảo - một cản trở hiện nay cho khách hàng tiếp cận gói 30.000 tỉ, NH Nhà nước khẳng định người vay có thể đảm bảo bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay, đảm bảo tài sản của bên thứ ba hoặc các hình thức đảm bảo khác. |
Là dân công chức tại Tp.HCM, vợ chồng anh T. đã làm thủ tục vay vốn từ gói 30.000 tỉ đồng từ những ngày đầu nhưng ròng rã hai tháng qua vẫn chưa thể vay được. Anh T. mua một căn hộ chung cư dự án của Khang Gia tại Tân Phú, Tp.HCM với diện tích 61m2, giá 871 triệu đồng. “Trước khi làm hợp đồng, chủ đầu tư dự án hướng dẫn chúng tôi làm việc với ngân hàng (NH) liên kết với họ là BIDV để vay 600 triệu đồng từ gói này. Phía NH xem xét hồ sơ và nói là sẽ được vay. Tuy nhiên, đến nay tôi ký hợp đồng mua nhà rồi, sắp đến đợt trả tiền lần hai rồi nhưng hồ sơ vay vẫn chưa được duyệt. NH trả lời với tôi là phải chờ ký kết thống nhất ba bên là chủ đầu tư - NH và công ty quản lý tài sản nữa tôi mới được vay. Hai hôm rồi tôi đến thì NH trả lời đang bận chưa tiếp được nên tôi lo lắng quá” - anh T. cho biết.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong năm NH được chỉ định giải ngân gói 30.000 tỉ đồng thì riêng Vietinbank đang có 160 hồ sơ, BIDV ít nhất có 100 hồ sơ đang xem xét... Đa số khách hàng có hồ sơ “nằm lại” tại các NH cho biết có đủ thứ lý do mà NH đưa ra như xác nhận tình trạng nhà ở, thẩm định dự án... Chị Thúy - một khách hàng của BIDV - cho rằng: “Được vay với lãi suất ưu đãi thì đòi hỏi thủ tục kỹ lưỡng là đương nhiên. Thế nhưng, ở đây chúng tôi thấy không chỉ vấn đề tài sản bảo đảm mà dường như có quá nhiều cản trở làm mệt mỏi người vay”.
Không chỉ khách hàng đối tượng chính của gói 30.000 tỉ đồng khó tiếp cận mà đến cả các DN xin chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, hoặc chuyển đổi cơ cấu căn hộ từ diện tích lớn xuống dưới 70m2 cũng gặp không ít khó khăn. Chủ một DN bất động sản tại Tp.HCM nói: “Dự án của tôi đã xây được một số hạng mục, nay xin chuyển đổi một phần sang nhà ở xã hội để tiếp cận vốn vay nhưng xin tới xin lui, từ Nam ra Bắc cuối cùng hồ sơ vẫn nằm lại”.
Tương tự, Công ty cổ phần An Phú xin chuyển đổi cơ cấu căn hộ tại dự án khu căn hộ An Phú tại 961 Hậu Giang, quận 6 từ diện tích lớn sang diện tích nhỏ nhưng vướng phải thủ tục quá nhiêu khê. Cụ thể, công ty này xin chuyển đổi cơ cấu từ 268 căn hộ có diện tích từ 120-150m2 thành 298 căn có diện tích từ 60-70m2 nhưng đến nay hồ sơ đang bị đẩy qua lại.
Ông Võ Thành Hùng, tổng giám đốc Công ty An Phú, bức xúc: “Dự án của chúng tôi không phải xin chuyển đổi qua dự án thu nhập thấp để hưởng hỗ trợ từ gói 30.000 tỉ mà đây là dự án căn hộ thương mại xin thay đổi cơ cấu diện tích để dễ bán hơn. Thông tư của Bộ Xây dựng cũng đã nói rất rõ là trường hợp dự án chỉ điều chỉnh cơ cấu căn hộ mà không thay đổi tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở theo quy định đã cấp thì không phải xem xét phê duyệt lại về chỉ tiêu dân số hay các thủ tục khác”.
Vẫn theo ông Hùng, hiện dự án đã xong phần móng cọc, chuẩn bị được nguồn vốn nhưng lại không thể thi công vì chưa được các cơ quan chấp thuận điều chỉnh.
Giải trình lên Chính phủ
|
Khu nhà ở Thới An, quận 12 của Công ty Địa ốc Sài Gòn Gia Định đang xin chuyển đổi chức năng sang nhà ở xã hội |
Trước sức ép của dư luận, những ngày qua Bộ Xây dựng, NH Nhà nước đã đưa ra thông cáo xung quanh những nghi vấn “chệch hướng gói 30.000 tỉ”. Các thông cáo này được công bố sau nhiều phản ứng từ phía người dân, một bộ phận DN và sau những ý kiến đóng góp của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA). Mới nhất là báo cáo của Bộ Xây dựng lên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trình bày về việc triển khai gói 30.000 tỉ đồng.
Báo cáo này cho biết tính đến trung tuần tháng 7/2013, các NH thương mại đã giải ngân được khoảng 11 tỉ đồng cho 56 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân. Tức trong 56 khách hàng này mỗi khách hàng vay được chưa tới 200 triệu đồng. Ở góc độ giải ngân cho DN, báo cáo này lại chỉ nêu “khiêm tốn”: “Về phía tổ chức (bao gồm DN là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội và DN là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội), NH Nhà nước đã có văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với hai doanh nghiệp: Công ty cổ phần Vicoland là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với số tiền gần 118 tỉ đồng và Công ty cổ phần tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại Tp.HCM với số tiền 540 tỉ đồng...”.
Các chuyên gia cho biết con số giải ngân cho DN chưa đầy đủ vì chưa thấy cập nhật các dự án nhà ở xã hội khởi công mới với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng được trích từ nguồn 30.000 tỉ đồng mà trước đó đã công bố rầm rộ trên báo chí.
Bộ Xây dựng cho rằng việc khởi công các dự án mới này nhằm tạo nguồn cung nhà ở xã hội trước. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HoREA, các dự án nhà ở xã hội khởi công mới phải sử dụng nguồn vốn khác ngoài 30.000 tỉ sau khi Chính phủ ban hành nghị định phát triển nhà ở xã hội để có khung chính sách rõ ràng. Nếu chỉ dựa vào mục tiêu tăng cung thì sẽ làm gia tăng hàng tồn kho, đi ngược lại với mục tiêu của nghị quyết 02 là nhằm giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu, hỗ trợ người thu nhập thấp ở đô thị có nhà.
Theo một chuyên gia bất động sản, hai mục tiêu trong nghị quyết 02 có tính thống nhất rất cao là muốn giải quyết hàng tồn kho thì phải kích cầu thông qua cho người tiêu dùng vay, người tiêu dùng mua sẽ xử lý được hàng tồn kho và xử lý được một phần nợ xấu. Đó cũng là điều mà cách đây hai tháng trước khi gói 30.000 tỉ đồng được tung ra thị trường thì các chuyên gia đã đề nghị nên dành cho người tiêu dùng vay hết vì số tiền này cũng chuyển vào tài khoản của DN để DN thực hiện dự án.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet