Từ quy hoạch không gian thành phố…

Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, cấu trúc phát triển không gian đô thị phải được xác định trên cơ sở khung thiên nhiên, các điều kiện hiện trạng, tiềm năng phát triển của đô thị đó. Việc quy hoạch phải tạo ra các không gian xanh, không gian mặt nước. Các không gian xanh cần có sự liên hệ mật thiết với nhau, kết nối giữa các công trình kiến trúc riêng lẻ với không gian xanh chung của mỗi khu vực, mỗi khu chức năng. Tùy từng khu vực, tỷ lệ đất dành cho không gian xanh cần đạt ở mức từ 25-40% tổng diên tích đất, bao gồm cả cây xanh công cộng, cây xanh trong các khu nhà riêng biệt, cây trồng 2 bên vỉa hè, thảm cỏ…

phát triển công trình xanh
Các không gian xanh cần có sự liên hệ mật thiết với nhau

Trong quy hoạch hệ thống đường giao thông, các thành phố cần tăng cường hệ thống cây xanh bóng mát hai bên đường. Tất cả các tuyến đường cấp phân khu vực trở lên đều phải trồng cây xanh đường phố. Các yếu tố “xanh” của tuyến đường giao thông phải có sự kết nối với các công trình xây dựng.

Ngoài ra, kiến trúc sư Trần Ngọc  Chính cho rằng quy hoạch hệ thống đường giao thông phải tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đi lại giữa các khu vực chức năng khác nhau trong đô thị. Các công trình dịch vụ cần đảm bảo bán kính phục vụ không quá 500m-1000m để việc đi lại có thể giải quyết bằng đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tối đa di chuyển bằng xe máy, ô tô cá nhân. Trong tương lai, các thành phố cần phát triển và đẩy mạnh các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch như xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch, xe đạp, xe đạp điện…. Điều này tất yếu dẫn đến việc cần quy hoạch đường dành riêng cho người đi bộ và các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần sử dụng công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác trong việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh để điều hành, quản lý giao thông, kiểm soát nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông…

Về quy hoạch hệ thống thoát nước, kiến trúc sư Chính nhấn mạnh, cần tận dụng tối đa điều kiện địa hình tự nhiên trong việc quy hoạch thoát nước mặt và thoát nước thải sinh hoạt, sản xuất… Hệ thống ao hồ tự nhiên được tận dụng, ao hồ nhân tạo được xây dựng để tạo nguồn nước dự trữ phục vụ công tác vệ sinh môi trường, tưới cây… Ngoài ra, một đô thị xanh buộc phải lựa chọn các giải pháp công nghệ xử lý nước thải tiết kiệm năng lượng nhằm bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, thành phố cần quy hoạch khu tập kết rác thải phải hợp lý, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi chọn địa điểm xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, phải nghiên cứu khả năng phục vụ cho liên vùng các đô thị gần nhau, tạo thuận lợi cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giảm nhu cầu chiếm đất và ô nhiễm môi trường. Các cơ sở xử lý chất thải rắn của đô thị phải được bố trí ở ngoài phạm vi đô thị, cuối hướng gió chính, cuối dòng chảy. Xung quanh cơ sở xử lý chất thải rắn phải trồng cây xanh cách ly. Công nghệ xử lý chất thải rắn không được gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt và môi trường không khí xung quanh.

… đến kiến trúc công trình

Kiến trúc công trình là một thành tố không thể thiếu của đô thị xanh. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho biết: “ Bố cục của một công trình xanh phải đảm bảo yếu tố là phù hợp với điều kiện khí hậu của khu vực quy hoạch. Xây dựng công trình cần tính toán mật độ, hệ số sử dụng đất hợp lý để có thêm quỹ đất tạo lập công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Bố cục quy hoạch công trình phải được nghiên cứu trên cơ sở phân tích về các điều kiện vi khí hậu của khu đất, hạn chế tác động xấu của hướng nắng, hướng gió nhằm giảm bớt tối đa nhu cầu sử dụng năng lượng cho mục đích làm mát hoặc sưởi ấm. Kiến trúc công trình cần tôn trọng địa hình, cảnh quan hiện hữu, tránh san lấp làm biến dạng địa hình tự nhiên…”

phát triển công trình xanh
Kiến trúc công trình là một thành tố không thể thiếu của đô thị xanh

Người đứng đầu Hội quy hoạch Việt Nam cũng cho biết thêm việc định vị công trình theo hướng Đông, Đông-Nam rất thuận lợi cho việc thông thoáng, làm mát về mùa hè. Cấu trúc hình khối không gian nên theo hướng đóng-mở liên hoàn vừa tạo được sự lưu thông của không khí vừa tạo được một lợi thế lớn trong việc tiết kiệm năng lượng, chiếu sáng, điều hòa không khí…

Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa tác động có hại của biến đổi khí hậu như gió bão, ngập lụt, hạn hán, nước biển dâng, biến đổi hệ sinh thái… thì công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị cần lồng ghép các nội dung về xây dựng thích ứng biến đổi khí hậu. Các nội dung đó có thể là: lựa chọn cao độ san nền khống chế, cao độ xây dựng phù hợp, thích ứng với mưa bão, ngập lụt và nước biển dâng, chọn giải pháp kết cấu, vật liệu, công nghệ xây dựng công trình chịu tác động gió bão, mưa nắng, xâm nhập mặn, hạn hán. 

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME