Góc nhìn chuyên gia: Linh hoạt ứng dụng công nghệ với công trình xanh
Công trình xanh đã xuất hiện và trở thành hướng đi tất yếu tại nhiều quốc gia phát triển trong 3 thập kỷ gần đây. Trong khi đó, tại Việt Nam, công trình xanh mới chỉ xuất hiện khoảng 10 năm nay. Việc “đi sau” giúp Việt Nam được “thừa hưởng” các thành tựu từ các quốc gia tiên phong. Tuy nhiên, ứng dụng các giải pháp công nghệ, vật liệu của các quốc gia đi trước, nếu máy móc thì là một sai lầm trong phát triển công trình xanh ở Việt Nam.
Hiện số lượng tài liệu về “đô thị xanh, kiến trúc xanh” tại Việt Nam chưa nhiều và cũng chưa được phổ cập rộng rãi. Kiến trúc sư Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện kiến trúc Nhiệt đới cho biết: “Đa phần các tài liệu về công trình xanh ở Việt Nam hiện nay có xuất xứ từ Châu Âu và Bắc Mỹ, nơi chủ yếu chống lạnh. Trong khi tại Việt Nam, vấn đề chống nóng và thoát ẩm phải đặt lên hàng đầu. Đối với xu hướng kiến trúc tiên tiến và đang phát triển trên thế giới như kiến trúc xanh, cách tiếp cận và sự hiểu biết của chúng ta còn rất sơ lược”.
Việc ứng dụng công nghệ cần quan tâm đến điều kiện riêng về kinh tế, văn hóa, khí hậu của từng khu vực |
Cũng theo kiến trúc sư, trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, trào lưu kiến trúc xanh tại các nước phát triển đang lan sang các nước đang phát triển và được xem như một mô hình lý tưởng. Những mô hình kiến trúc xanh này khiến các nước đang phát triển choáng ngợp bởi các giải pháp công nghệ tân tiến, vật liệu xây dựng hiện đại. Tuy nhiên, việc ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào trong điều kiện riêng của từng nước, từng địa phương vẫn đang là một khoảng cách lớn.
Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh: “Việc ứng dụng công nghệ cần quan tâm đến điều kiện riêng về kinh tế, văn hóa, khí hậu của từng khu vực. Đây có lẽ là con đường để đưa kiến trúc xanh vào trong cuộc sống”.
Mỗi vùng miền của Việt Nam có đặc trưng khí hậu riêng, có thể kể đến một số vùng khí hậu đặc trưng như khí hậu vùng núi Đông Bắc Bộ, vùng núi Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng gió Lào miền Trung, vùng ngập lũ Nam Bộ… Về cơ bản khí hậu Việt Nam rất khắc nghiệt. Mùa hè nắng nóng, bức xạ mặt trời lớn. Đặc biệt ở phía Bắc có mùa đông lạnh với độ ẩm cao.
Chính bởi vậy, kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng phát triển công trình xanh ở nước ta phải chú ý tới các yếu tố khí hậu theo từng vùng khác nhau của đất nước. “Cần hiểu rằng khí hậu các địa phương Việt Nam hoàn toàn khác với khí hậu các nước Âu – Mỹ. Công nghệ của các nước phát triển Âu Mỹ là không hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Việt Nam. Nếu các giải pháp khí hậu Âu Mỹ là sưởi ấm, thì tại Việt Nam là làm mát, hút ẩm và chống giá buốt… Ở một góc nhìn khác, điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta cũng rất thuận lợi cho việc thiết lập những sắc thái riêng trong quy hoạch và xây dựng đô thị xanh”, kiến trúc sư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phát triển công trình xanh tại Việt Nam ngoài việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến rất cần quan tâm đến các khía cạnh nhân văn, khai thác các lợi thế của địa phương.
Việt Nam có 54 dân tộc, chính vì vậy bản sắc văn hóa địa phương rất đa dạng. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán, phương thức sản xuất canh tác, lối sống riêng… Phát triển công trình xanh ở Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bản sắc văn hóa địa phương tại mỗi vùng miền bởi mỗi nơi có một lối sống và kiến trúc đặc trưng riêng. Việc lựa chọn những giải pháp phù hợp với truyền thống văn hóa, lối sống, tâm lý, nhu cầu và khả năng thực tế của cộng đồng dân cư vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng môi trường kiến trúc đô thị. Xây dựng công trình xanh trên cơ sở xem xét yếu tố văn hóa cũng là cơ sở để nhận được sự đồng thuận của cư dân địa phương. Từ đó, có thể nhân rộng được các công trình, tránh được nguy cơ phá vỡ các tập quán sinh hoạt truyền thống.
Ngoài ra, công trình xanh Việt Nam phải được xây dựng phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đất nước. Việt Nam là quốc gia còn nghèo so với nhiều nước trong khu vực. Công trình xanh tại Việt Nam nên phát huy sử dụng được các nguồn lực tại chỗ, hướng đến những giải pháp xây dựng đơn giản phù hợp với trình độ xây dựng của khu vực, dễ bảo dưỡng nhằm đạt được mục tiêu giá thành hợp lý và phù hợp với khả năng thu nhập của người dân địa phương.
Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh: “Trong mọi hoàn cảnh luôn cần lấy con người là trung tâm, tránh việc sùng bái công nghệ mà bỏ qua những tiềm năng của địa phương. Công trình xanh cần hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn”.
Thúy An
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet