Gỡ vướng mắc, đẩy tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ
Đến nay Tp.HCM đã hoàn thành 100% việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (GCN) cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Trong khi đó, Hà Nội triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết bức xúc của các hộ dân trong việc cấp GCN cho người mua nhà tại một số khu đô thị trên địa bàn.
Tp.HCM: Hoàn thành tiến độ
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM, kết quả rà soát khi bắt đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/8/2011, trên địa bàn Tp.HCM có 179.001 trường hợp là hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện cấp GCN. Đến thời điểm này, toàn bộ những trường hợp đủ điều kiện cấp GCN nêu trên đã được cấp xong.
Qua giải quyết hồ sơ thực tế, có phát sinh 9.416 trường hợp trước đây quận, huyện dự kiến đủ điều kiện cấp GCN và giao chỉ tiêu thực hiện nhưng khi tiếp nhận, xem xét hồ sơ cụ thể thấy không đủ điều kiện nên các quận, huyện đã có văn bản trả hồ sơ cho người dân.
Ngoài ra, có 1.424 trường hợp đủ điều kiện nhưng do người dân không có nhu cầu cấp GCN (không nộp hồ sơ hoặc đã nộp hồ sơ nhưng khi cơ quan cấp GCN yêu cầu bổ sung chứng từ còn thiếu thì không nộp bổ sung). Như vậy tính đến nay, tổng số GCN đã cấp đối với đất ở trên địa bàn TP (giấy đỏ, giấy hồng qua các thời kỳ) 1.366.776 GCN trên tổng số 1.523.578 nhà, đất trên địa bàn, với diện tích đất ở đã cấp GCN 21.526,9ha.
Những trường hợp đủ điều kiện cấp nhưng người dân không có nhu cầu, Sở cùng các quận, huyện tập trung tuyên truyền để người dân thấy rõ quyền lợi của việc cấp giấy. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tài chính đẩy nhanh việc tính và thu tiền sử dụng đất, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chủ đầu tư các dự án đang chờ hoàn tất thủ tục để nộp tiền sử dụng đất. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM |
Trong tổng số 133.629 nhà, đất chưa được cấp GCN còn lại, qua quá trình giải quyết hồ sơ đã phát sinh một số trường hợp không đủ điều kiện cấp GCN hoặc do người dân không có nhu cầu nộp hồ sơ. Cụ thể, có 115.702 trường hợp không đủ điều kiện, được các quận, huyện phân loại những vướng mắc để đề xuất tháo gỡ, xử lý tiếp tục cấp GCN.
Trong đó, có 29.619 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1/7/2004; có 19.090 trường hợp lấn chiếm không phù hợp quy hoạch; 11.686 trường hợp chuyển mục đích sử dụng trái phép không phù hợp với quy hoạch; 117 trường hợp giao đất trái thẩm quyền; 8.678 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng tại các dự án phát triển nhà ở…
Những trường hợp trên nếu giải quyết sẽ vướng luật, do đó thời gian tới TP sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tháo gỡ. Trước mắt, Sở Tài nguyên-Môi trường hướng dẫn các quận, huyện lập hồ sơ các trường hợp không đủ điều kiện để theo dõi, quản lý, cập nhật biến động hoặc cấp GCN khi đã được tháo gỡ vướng mắc và người dân xin cấp GCN.
Toàn TP hiện có khoảng 839 dự án phát triển nhà ở các loại với tổng số căn hộ và nhà liên kế được duyệt 158.000 căn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cấp GCN có nhiều dự án vi phạm nên chưa được cấp giấy. Trước khi có Chị thị 1474/CT-TTg, các căn hộ, nền đất thuộc dự án phát triển nhà ở có vi phạm quy định về dự án (không kể là chủ đầu tư hay khách hàng vi phạm) đều bị coi là vướng mắc và không đủ điều kiện cấp giấy.
Tp.HCM đã hoàn thành 100% việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân |
Sau khi có chủ trương tháo gỡ của Trung ương và TP, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND các quận, huyện đã tập trung hướng dẫn thủ tục và tạo các điều kiện cần thiết để chủ đầu tư và khách hàng tiến hành đăng ký cấp GCN. Tính từ năm 2001 đến tháng 12-2012, toàn TP đã cấp được 110.507 GCN, chiếm 69,9% (tăng 63.150 GCN so với số lượng 47.357 GCN đã cấp trước khi có Chỉ thị 1474/CT-TTg).
Riêng từ đầu năm đến nay, các quận, huyện và Văn phòng Đăng ký TP đã cấp 11.992 GCN cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở. Nhìn chung, việc thực hiện tháo gỡ, cấp GCN đã làm giảm hẳn các thắc mắc, khiếu nại của chủ đầu tư và khách hàng. Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy tại các dự án nhà, từ nay đến cuối năm các quận, huyện tập trung giải quyết cấp GCN cho người mua nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở đủ các điều kiện: căn hộ đã xây dựng xong, đã bàn giao cho khách hàng, khách hàng đã hoàn thành các nghĩa vụ đối với chủ đầu tư.
Cơ quan chức năng sẽ xem xét cấp giấy trực tiếp cho người dân mà không cần qua chủ đầu tư. Đối với những chủ đầu tư cố tình chây ì, TP sẽ có biện pháp chế tài, đặc biệt có thể xem xét không cấp phép cho những dự án mới.
Hà Nội: Tháo gỡ tồn đọng
Liên quan đến dự án khu đô thị Việt Hưng và đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, một trong những dự án đang vướng mắc phức tạp và kéo dài nhất tại Hà Nội, do chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) triển khai, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội kiểm tra hồ sơ pháp lý để làm thủ tục cấp ngay GCN cho người dân mua nhà, đồng thời xử lý các vướng mắc liên quan đến quỹ nhà bán theo danh sách TP giới thiệu.
Chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành đối với 25% diện tích nhà ở biệt thự và 50% diện tích nhà vườn. Trường hợp người mua nhà không thuộc quỹ nhà do UBND TP điều tiết và người mua nhà theo đúng danh sách TP chấp thuận, giới thiệu đã nộp đủ tiền mua nhà với chủ đầu tư, Văn phòng Đăng ký đất đai và UBND các quận, huyện làm thủ tục cấp GCN cho các hộ. Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ có văn bản trình Sở Tài chính, Cục thuế Hà Nội đề nghị thu nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.
Sở Tài nguyên - Môi trường cũng chỉ ra một loạt dự án bị vướng không thực hiện việc cấp GCN. Cụ thể, khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, huyện Từ Liêm do chủ đầu tư Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, chưa nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung theo quyết định giao đất.
Một dự án khác cũng trong đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì do CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư cũng chưa xác định phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành xây dựng, chưa thực hiện việc chuyển nhượng dự án đúng quy định, chưa có biên bản bàn giao 12 căn hộ phục vụ các đối tượng chính sách.
Dự án khu đô thị Yên Hòa - Cầu Giấy do chủ đầu tư là Công ty Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách nhà nước. Tương tự, tại các dự án khu đô thị mới Dịch Vọng, khu đô thị Đại Mỗ, khu đô thị sinh thái Vincom Village hiện vẫn còn những vướng mắc như chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa được cấp trích lục bản đồ, bên bán nhà đã tự nhận chuyển nhượng dự án, đứng tên ký hợp đồng bán nhà ở...
Chỉ rõ những sai phạm tại các dự án trên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định mặc dù hầu hết chủ đầu tư đang có sai phạm nhất định, nhưng quan điểm của Sở là phải đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà tại các dự án.
Do vậy, Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội đề nghị các chủ đầu tư phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai cùng UBND các quận, huyện khẩn trương lập hồ sơ để cấp giấy chứng nhận nhà, đất cho các khách hàng. Cùng với đó, các cơ quan thuế, tài chính TP cùng với chủ đầu tư khẩn trương tiến hành thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các dự án đang nợ, chưa hoàn thành.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet