Giao dịch nhà phố, biệt thự TP.HCM giảm mạnh trong quý 3/2019
Thiếu nguồn cung mới, giá bán tăng cao khiến giao dịch mua bán dòng sản phẩm biệt thự, nhà phố tại thị trường TP.HCM giảm nhiệt.
Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, trong quý 3 vừa qua, TP.HCM chỉ có khoảng 220 sản phẩm nhà phố/biệt thự mới chào bán. Nguồn cung này tiếp tục giảm đến 65% so với quý trước đó. Đây cũng là quý có nguồn cung đạt mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Cũng theo DKRA Việt Nam, toàn thị trường trong 3 tháng gần đây chỉ có duy nhất 1 dự án biệt thự, nhà phố mở bán, số lượng nguồn cung mới 30 căn, giảm đến 92% so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm nguồn cung, thiếu đa dạng sản phẩm đang tác động trực tiếp đến sức tiêu thụ biệt thự, nhà phố tại TP.HCM. Tính riêng trong quý vừa qua, toàn thị trường chỉ có khoảng 400 sản phẩm nhà phố/biệt thự được giao dịch ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Riêng với nguồn cung mới thì chỉ có khoảng 20 căn chào bán thành công. Con số này thấp hơn sức mua thời điểm quý 2/2019 đến 93%.
Thiếu hụt nguồn cung mới khiến giao dịch nhà phố, biệt thự tại TP.HCM giảm
mạnh trong quý 3/2019. Ảnh minh họa
Theo bà Kim Phan, Trưởng phòng Kinh doanh nhà ở, Savills TP.HCM, với phân khúc nhà phố, biệt thự, khách hàng hiện đang có quá ít lựa chọn do nguồn cung mới hạn chế trong khi lượng hàng tồn lại có giá cao. Cụ thể, hơn 75% nguồn cung sơ cấp có giá hơn 300.000 USD/căn. Phần lớn các dự án sơ cấp có giá tăng ổn định từ 5-7%/năm, ngoại trừ một số dự án có vị trí tốt và tiến độ xây dựng tốt có mức tăng giá hơn 10%/ năm. Mức tăng này là ở thị trường sơ cấp, với giao dịch thứ cấp, sức tăng có thể đạt 15-20%/năm.
Khu Đông vốn dẫn đầu nguồn cung của thị trường cũng đang ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ không cao, chiếm 17% cơ cấu tiêu thụ nguồn cung mới toàn thị trường và chỉ bằng 2% tỷ lệ hấp thụ nguồn cung sơ cấp theo khu vực. Giao dịch thứ cấp tại đây giảm so với quý 2, các giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án đã được bàn giao, có giá bán khoảng 10 tỷ đồng/căn và kết nối giao thông thuận lợi.
Nhìn nhận về hoạt động của phân khúc này trong các quý tới đây, bà Kim Phan cho rằng, quỹ đất hạn hẹp và quy trình pháp lý bị thắt chặt sẽ tiếp tục là nguyên nhân chính khiến nguồn cung mới khan hiếm. Gần đây, Sở Quy hoạch- Kiến Trúc TP.HCM đã đưa ra công văn kiến nghị yêu cầu thắt chặt quản lý phân lô tách thửa tại địa bàn thành phố. Công văn này nhằm tăng tính tính hiệu quả của Quyết định Số 60/2017/QĐ-HĐND về diện tích phân lô tối thiểu. Trong thời gian tới, nguồn cung đất nền mới cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thời gian qua, việc giá đất tăng mạnh đã hạn chế các lựa chọn đầu tư của người mua. Tình trạng thiếu vắng nguồn cung của TP. HCM tiếp tục giúp các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An được hưởng lợi.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet