Giá vật liệu tăng cao, nhà thầu càng thêm khổ
Với việc hầu hết nguyên vật liệu liên quan đến xây dựng giao thông đều tăng rất cao trong thời gian gần đây làm cho các nhà thầu chưa làm đã lo lỗ...
Các nhà thầu đau đầu vì giá nguyên vật liệu chính tăng cao |
Vừa làm vừa lo
Trong lúc phải vật lộn với đình hoãn, thiếu vốn nghiêm trọng, các nhà thầu trong lĩnh vực XDCB giao thông còn đang rất đau đầu với bài toán trượt giá do nhiều nguyên vật liệu chính tăng quá cao so với thời điểm đấu thầu. Rất nhiều dự án lớn, đặc biệt những tuyến đường ở giai đoạn cuối, thi công phần thảm mặt đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Đơn cử như Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình, nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án này có rất nhiều như thiếu vốn, chậm GPMB, nhà thầu yếu,... tuy nhiên một trong những lý do không thể bỏ qua là trượt giá.
Theo lãnh đạo Tổng công ty XDCTGT 8 (Cienco 8), do nhựa đường, xăng dầu tăng cao nên nhà thầu chịu lỗ lớn, bỏ ra mười đồng có khi chỉ thu về một nửa. Chẳng hạn như giá nhựa đường thời điểm bỏ thầu chỉ 6.000 đồng/kg, giờ đã khoảng hơn 15.000 đồng/kg, tăng gần gấp 3 lần. Hàng loạt các loại vật liệu chính khác như thép, xi măng, cát, đất cũng tăng cao từ 2- 3 lần.
Với phần việc của Cienco 8 khi mời thầu là 85 tỷ đồng nhưng nhà thầu tính toán chỉ có thể thu về được 43 tỷ đồng, chính vì vậy trong một thời gian dài, nhà thầu không dám làm mà phải chờ chủ đầu tư điều chỉnh giá. Khi bỏ thầu nhà thầu khó có thể lường trước được biến động giá. Hơn nữa, các dự án giao thông thường kéo dài hơn dự tính do vướng mắc trong khâu GPMB và cơ chế thủ tục thay đổi.
Dự án đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên cũng gặp cảnh tương tự. Dù chưa vào giai đoạn cuối và giá bỏ thầu rất cao, nhiều gói vượt giá trần tới 10%, tuy nhiên các nhà thầu cũng đã cảm nhận được “hơi nóng” của việc càng làm, càng lỗ.
Ông Phan Quốc Hiếu, Tổng giám đốc Tổng Công ty XD Thăng Long cho biết, khi đấu thầu các gói thầu đều được nhà thầu bỏ giá khá cao, nhưng chỉ là cao so với thời điểm bỏ thầu cách đây 2 năm. Còn hiện nay giá của hầu hết các loại vật liệu chính đều tăng gấp 2- 3 lần. “Chẳng hạn như thép bỏ thầu 12.000 đồng/kg, nhưng nay đã tăng lên 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tương tự như vậy là cát, đất, xăng dầu cũng lên cao hơn nhiều so với thời điểm đó. Theo tính toán, với giá hiện tại, nhà thầu làm được một đồng thì phải chi ra tới một đồng rưỡi, gần như chưa làm đã thấy lỗ”- ông Hiếu khẳng định.
Bù giá không đủ
Theo các nhà thầu, mức trượt giá của hầu hết các loạt vật liệu xây dựng chính trong thời gian qua là rất lớn, tuy nhiên công tác bù giá vẫn chưa sát thực tế và không thể bù đắp cho các nhà thầu. Với những dự án sử dụng vốn trong nước được bù trực tiếp sẽ đỡ hơn và nhà thầu cũng không bị lỗ nhiều.Mặc dù vậy, thông báo giá của các địa phương để lấy làm căn cứ bù giá hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập, thường rất chậm và giá thấp hơn khá nhiều giá thị trường. Còn những dự án bù theo công thức thì chỉ số giá thực sự thấp và khiến nhà thầu lỗ nhiều hơn.
Theo báo cáo của liên danh nhà thầu gói thầu PK1C thuộc Dự án đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên, các nhà thầu đã tính toán trượt giá theo hợp đồng gốc, lấy các chỉ số theo Tổng cục Thống kê thì giá trị tăng bình quân cho các hạng mục được tính trượt giá chỉ khoảng trên dưới 15%.
Tuy nhiên, các chi phí thi công thực tế của nhà thầu đã vượt từ 1,5 đến 2,5 lần. Trong đó như thép tăng 165%, vật liệu đắp từ 150% đến 200%, cát thoát nước tăng 200%,...
Do vậy, phần trượt giá theo hợp đồng không phản ánh đúng so với biến động của thị trường. Trong đó, chi phí tăng do chậm bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu vẫn phải chịu do giá tăng so với thời điểm khởi công là một bất cập lớn.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều hạng mục khác nhà thầu không được tính trượt giá theo hợp đồng, nhưng các chi phí đó đến nay đều tăng rất cao do lạm phát khiến nhà thầu không đảm bảo được chi phí tối thiểu khi thi công.
Thời gian qua, tại rất nhiều dự án, các nhà thầu đều có văn bản kiến nghị chủ đầu tư và các cơ quan quản lý có sự hỗ trợ và tính bù giá hợp lý hơn và phù hợp với tình hình tăng giá và lạm phát hiện nay.
Trong đó, có nhà thầu đề xuất giải pháp tách chỉ số của một số loại nguyên vật liệu chính có giá tăng quá cao để bù riêng chứ không căn cứ theo hợp đồng. Điều này là rất quan trọng để các nhà thầu bớt lỗ và tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đúng tiến độ các dự án.
(Theo GTVT)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet