Các chuyên gia địa ốc nhận định, từ cuối năm 2016 đến nay, tại nhiều tỉnh, thành, thị trường đất nền ghi nhận sự tăng giá mạnh, đặc biệt tại vùng ven các khu đô thị mới. Ban đầu chỉ có vài người đi gom đất, sau đó lan rộng và hình thành cơn sốt đất. Không giống những cơn sốt đất tại các thành phố lớn, những nhà đầu tư đất nền tại các tỉnh lẻ thường khá thận trọng và chỉ đầu tư vào những khu vực nhiều tiềm năng.

Là một nhân viên môi giới BĐS, anh Thành cho hay, tại nhiều tỉnh thành ở khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Thanh Hoá, so với những năm trước, giá đất đã có sự tăng mạnh. Tại nhiều tỉnh khác như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…, giá đất cũng tăng đều.

Các chuyên gia cho biết, so với Hà Nội, giá đất tại các tỉnh lẻ đang thấp hơn và sẽ có nhiều cơ hội tăng giá khi các dự án lớn tại đây đi vào hoạt động. Hơn nữa, hạ tầng giao thông các tỉnh hiện cũng đã phát triển, giúp thuận lợi hơn khi di chuyển từ Hà Nội đến các khu vực này. Cùng với đó, nhiều ông lớn BĐS cũng đổ bộ về đây, kéo theo nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Hà Nội.

bất động sản tỉnh lẻ
Giá đất tại một số khu vực của TP. Điện Biên Phủ đã tăng 8 lần trong 10 năm qua.
Ảnh: Kim Đức

Khảo sát của phóng viên cho thấy, tại một số tỉnh, thành, có những khu vực có giá đất đắt ngang ngửa Hà Nội. Chẳng hạn, giá tối thiểu của các dự án tại trung tâm TP. Hạ Long (Quảng Ninh) là 7 tỷ đồng/căn, đặc biệt, những căn biệt thự lớn có thể lên tới 15-20 tỷ đồng/căn, biệt thự, nhà liền kề của khu đô thị tại phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long có giá 3-4 tỷ đồng/căn.

Vừa sở hữu một lô đất gần Vân Đồn và TP. Hạ Long, ông Lê Quang Tuấn cho biết thêm, tại những vị trí đẹp thuộc trung tâm TP. Hạ Long và ven biển, giá nhà đất vẫn rẻ hơn 2-6 lần so với những vị trí tương tự tại Nha Trang hay Đà Nẵng.

Thị trường BĐS Đà Nẵng cũng không nằm ngoài cuộc. Khu vực ven biển từ quận Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn, giá đất đang dao động ở mức khoảng 150 triệu đồng/m2. Giá đất Sơn Trà trong một thời gian ngắn cũng tăng gấp đôi từ chỉ 9-11 triệu đồng/m2 lên mức 25-28 triệu đồng/m2.

Hay tại Thanh Hoá, nhà liền kề, biệt thự tại nhiều vị trí đẹp cũng đang được giao dịch với giá khoảng 7-10 tỷ đồng/căn. Tại khu vực vùng ven, giá nhà đất cũng đã nhích dần, đặc biệt tại Sầm Sơn, giá giao dịch một căn biệt thự đã lên mức trên 5 tỷ đồng.

Ở Bắc Ninh, nếu giá các khu đất đẹp tại các khu đô thị bám các trung tâm công nghiệp lớn trước đây có giá chỉ 15 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên hơn 40 triệu đồng/m2. Một tỉnh nằm xa hơn như TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), giá bình quân 10 năm trước chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2 thì nay cũng tăng lên. Anh Hưng, một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại Điện Biên cho biết, những khu đô thị mới đường rộng 13-20m có giá dao động từ 1,7-2 tỷ đồng/lô, những khu đất vị trí đẹp như nằm gần đồi A1 có giá 1,7 tỷ đồng/m mặt đường, dài khoảng 30m.

Theo khảo sát của phóng viên, hạ tầng, tiện ích của Điện Biện hiện chỉ ở mức bình thường nhưng không hiểu sao giá đất lại tăng mạnh như vậy.

Anh Hưng lý giải vì Điện Biên có lợi thế về du lịch và quỹ đất tại thành phố cũng không còn nhiều, nên khả năng mở rộng các trung tâm thương mại, khu đô thị rất hạn chế. Do đó, những nhà có điều kiện đều muốn sinh sống tại thành phố nên giá đất tại đây bị đẩy lên cao.

Nhìn dưới góc độ khác, anh Thành lại cho rằng, BĐS tỉnh lẻ là một xu hướng phát triển tất yếu. Bởi trong khu vực nội thành, các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bán lẻ, đất… đều đã bão hòa. Hơn nữa, so với các trung tâm lớn, giá trị đầu tư vào thị trường BĐS tỉnh lẻ luôn thấp hơn.

Ngoài ra, các đại gia bán lẻ cũng về các tỉnh thành này để phát triển các khu dịch vụ, trung tâm thương mại… cộng với giao thông thuận lợi, khiến các thị trường này lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME