Trái ngược với các thông tin phản ánh trước đó, thị trường đất nền ở huyện Hoài Đức hiện khá im ắng chứ không sôi động. Trên địa bàn, không ít văn phòng môi giới nhà đất vẫn cửa đóng then cài. Một nhân viên môi giới cho biết, tại nhiều địa phương, phần lớn các giao dịch đang có trên thị trường xuất phát từ nhu cầu thực, không phải do cò mồi tạo sóng.

Tuy nhiên, giá đất nền ở Hoài Đức chỉ tăng theo từng địa bàn với biên độ tăng mạnh nhất ghi nhận ở thị trấn Trạm Trôi. Bên cạnh đó, khu vực An Khánh cũng có giá đất nền tăng mạnh sau khi có thông tin huyện Hoài Đức sắp lên quận. Mức giá tăng mạnh nhất có thể lên tới 50% ở những lô đất đẹp.

Đất nền An Khánh tăng 50%

Theo ghi nhận tại các xã dọc cao tốc Láng - Hoà Lạc thuộc địa phận huyện Hoài Đức, bắt đầu từ khi UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định huyện Hoài Đức lên quận vào năm 2020, giá đất nền tại đây có dấu hiệu tăng.

PV khảo sát được biết, các lô đất nền đang được chào bán ở An Khánh đa phần là đất ngõ, giá rao bán dao động từ 20-30 triệu đồng/m2. Chỉ những lô đất nằm cạnh các trục đường có dự án mới có giá chạm mốc 40 triệu đồng/m2. Một chuyên viên môi giới lâu năm tiết lộ, so với thời điểm trước khi có thông tin lên quận, mức giá này đã tăng khoảng 50%.

Với những khu vực lân cận như Song Phương, An Thượng, Vân Côn,… tuy giá đất đã rục rịch tăng nhưng không đáng kể. Theo thông tin từ các chuyên viên môi giới, hiện giá đất ngõ tại Song Phương, An Thượng vào khoảng 16 triệu đồng/m2, so với trước đã tăng thêm 1-3 triệu đồng/m2. Ở vị trí xa trung tâm hơn, giá đất nền tại Vân Côn hiện chỉ khoảng 13 triệu đồng/m2 nhưng cũng đã tăng khoảng 1 triệu so với cách đây 1-2 năm.

Bà Vân, một người dân sống gần thị trấn Trạm Trôi, cho biết khu vực này có nhiều mức giá đất nền khác nhau, có lô chỉ 40-50 triệu đồng/m2 nhưng cũng không ít lô giá có thể lên đến 200 triệu đồng/m2.

Thị trấn Trạm Trôi có vị trí bám trục đường 32, nơi được đánh giá cao về hệ thống giao thông, nhất là khi Hà Nội đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án metro tàu điện trên cao Nhổn – Ga Hà Nội và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Thực ra, từ nhiều năm nay, giá đất nền, đặc biệt là các lô nằm ở mặt đường thị trấn Trạm Trôi đã khá cao. Theo ghi nhận từ các giao dịch thực tế, đã có những lô đất được bán với giá từ 150 đến ngót 200 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khảo sát hiện tại thì đất nền khu vực này không quá sôi động về giao dịch.

đất nền Hoài Đức
Mặc dù giá đất nền một số nơi tại Hoài Đức ghi nhận mức tăng khoảng 50% nhưng
nhìn chung giao dịch không mấy sôi động. Ảnh: Lâm Tùng.

Vẫn nên cẩn trọng

Đại diện một văn phòng nhà đất ở An Khánh cho biết: “Hiện giao dịch đất nền trên địa bàn các xã An Khánh, Song Phương, An Thượng đều xuất phát từ nhu cầu thực, không có hiện tượng ôm đất và cũng không có quỹ đất để ôm. Do vậy có thể khẳng định không có hiện tượng thổi giá đất hay bong bóng đất động sản trên địa bàn”.

Vậy nhưng vị này cũng xác nhận, khi soi chiếu với các hệ lụy trước mắt, không ít người mua vẫn tỏ ra khá cẩn trọng trước quyết định “rót” tiền cho các lô đất trên địa bàn.

Trước đây, giai đoạn 2006-2007 ở An Khánh từng xảy ra đợt sốt đất nền khi có quy hoạch xây dựng các dự án khu đô thị. Khi đó, dù quy hoạch được duyệt hay chưa thì các lô đất nền vẫn bán ra dễ dàng với giá cao. Nhưng ngay khi cơn sốt đi qua, giá đất nhanh chóng lao dốc khiến nhiều người phải ôm hận.

Đến năm 2011-2014, đất Hoài Đức lại lên cơn “sốt” vì có thông tin sắp lên quận. Giá đất giai đoạn này từng chạm vùng đỉnh khi cao gấp 3-4 lần so với trước đó. Ngay cả những lô đất bình thường có khi cũng được thổi lên tới 40-50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đây là diễn biến hình thành từ việc thổi giá của cò đất, không phải giá thực. Cũng rất nhanh chóng, thị trường lại một lần nữa rơi xuống đáy vực, không ít lô đất sau đó chỉ rao giá 10-15 triệu đồng/m2 dù trước đó từng chào bán 40-50 triệu đồng/m2.

Nhắc lại giai đoạn đỉnh sốt năm 2006-2007, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết khi đó toàn bộ khu An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) ở tình trạng "có đất, quy hoạch chi tiết xây dựng nhà không cần biết có ở được hay không đã bán được tiền".

Cũng từ đợt sốt đất này, nhiều dự án BĐS, khu đô thị được hình thành, và khi thị trường "cắt sốt" thì giá lao dốc rất nhanh. Hệ quả là hàng loạt dự án không thể bán được hàng, không có người ở, nằm chơ vơ giữa cánh đồng.

Huyện lên quận mới chỉ là thay đổi hành chính, chưa có quy hoạch, hạ tầng

Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Hà Nội, sở dĩ giá đất nền Hoài Đức tăng trong thời gian qua là do có thông tin huyện này lên quận. Cùng với đó là quy hoạch các tuyến đường vành đai 3,5 và vành đai 4 với dự báo kinh tế khu vực sẽ phát triển mạnh.

Tuy nhiên, ông Đính cũng xác nhận, mức giá BĐS “đón đầu quy hoạch” là không đảm bảo tính chắc chắn. Ví dụ điển hình là thị trường BĐS Đông Anh, trước các thông tin xây dựng cầu, nâng cấp hạ tầng giao thông và đầu tư phát triển chuyển đổi thành đô thị trung tâm của thành phố, thị trường khu vực này đã sốt nóng, tăng giá. Vậy nhưng, nhiều năm trôi qua, các dự án vẫn chưa đi vào thực tế khiến giới đầu tư, đầu cơ gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó ông Đính khuyến cáo: “Đối với Hoài Đức, thông tin xã lên phường, huyện lên quận thực tế mới chỉ là sự thay đổi hành chính, địa danh, chưa có các quy hoạch và hạ tầng cụ thể nên các nhà đầu tư, người dân khi mua cần cân nhắc, thận trọng, đặc biệt chú trọng tính pháp lý, nghiên cứu quy hoạch phát triển toàn vùng cũng như quy hoạch khu vực diễn ra mua bán”.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME