Giá bất động sản tại nhiều thành phố lớn tiếp tục leo thang bất chấp Covid
Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do đại dịch Covid-19, giá nhà tại các thị trường trọng điểm trên thế giới vẫn tiếp tục leo thang chóng mặt. Munich, Frankfurt, Toronto và Hồng Kông đứng đầu nhóm thị trường bất động sản tăng trưởng “nóng” nhất toàn cầu, tiểm ẩn nguy cơ nổ bong bóng.
Theo Chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu năm 2020 của UBS Group AG, hơn một nửa trong số 25 thành phố lớn được phân tích có nguy cơ xảy ra bong bóng nhà đất hoặc đang bị định giá quá cao. Chỉ số này xem xét các dấu hiệu điển hình của bong bóng bất động sản, bao gồm khoảng cách ngày càng gia tăng giữa thu nhập của người dân và giá thuê nhà, sự mất cân đối trong nền kinh tế như các hoạt động cho vay và xây dựng quá mức.
Top 7 thành phố có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản cao nhất theo thứ tự lần lượt là Munich, Frankfurt, Toronto, Hồng Kông, Paris, Amsterdam và Zurich. Kết quả này cho thấy với 5 đại diện trong top 7, châu Âu dường như đang là điểm nóng bất động sản toàn cầu, đối diện rủi ro nổ bong bóng.
Munich, Frankfurt, Toronto, Hồng Kông, Paris, Amsterdam và Zurich là các thành phố đứng trước nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. Ảnh: Getty Images
Trong khi đó, Toronto là thành phố duy nhất của Bắc Mỹ bị cảnh báo nguy cơ bong bóng nhà đất. Một số thị trường trọng điểm khác của khu vực này như Vancouver, British Columbia, Los Angeles, San Francisco và New York được kết luận là không có nguy cơ bong bóng dù giá nhà đất cũng đang ở mức quá cao. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra bất động sản ở thành phố Boston có giá hợp lý, còn Chicago là thành phố duy nhất bị định giá thấp hơn so với giá trị thực.
Theo USB, nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực của đại dịch lên nền kinh tế, chính phủ các nước đã tung ra nhiều gói hỗ trợ thị trường bất động sản như giảm lãi suất, tạm dừng tịch biên nhà, khiến giá nhà không những không giảm mà còn tăng lên. USB cho rằng giá nhà tăng trong bối cảnh như thế này là không bền vững.
Mark Haefele, Giám đốc Đầu tư của UBS, nhận định: “Sự tăng trưởng giá nhà trong 4 quý vừa qua là không bền vững trong ngắn hạn. Giá thuê đã giảm ở hầu hết các thành phố, cho thấy thị trường sắp bước vào một giai đoạn điều chỉnh mới khi chính sách trợ cấp dần mất đi và áp lực lên thu nhập hộ gia đình gia tăng."
Đại dịch cũng làm gia tăng nhu cầu của người dân về những ngôi nhà diện tích lớn hơn, có nhiều không gian ngoài trời hơn. Các thành phố lớn như New York và San Francisco đều chứng kiến dòng dân số dịch chuyển đến các thành phố nhỏ hơn hoặc các khu vực ngoại ô. Tương lai của thị trường nhà ở đô thị đang trở nên khó dự đoán cả trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là khi không ai có thể chắc chắn đại dịch sẽ kéo dài bao lâu nữa.
Claudio Saputelli, Trưởng bộ phận đầu tư bất động sản của UBS Global Wealth Management, cho biết: “Áp lực lên thu nhập hộ gia đình khiến nhiều người chuyển đến các khu vực ngoại ô có giá cả phải chăng hơn. Các thành phố có nền kinh tế yếu hơn sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng này bằng việc tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu công. Cả hai việc này đều không có lợi cho giá bất động sản.”
Các thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất theo báo cáo của UBS là Paris, London, Singapore, Tokyo, Tel Aviv and New York. Để mua được một căn hộ diện tích 60m2 ở các thành phố này, người dân phải làm việc liên tục trong 10 năm trở lên.
Bên cạnh xu hướng tăng giá bất động sản tại hầu khắp các thành phố lớn nhất thế giới, nghiên cứu của UBS cũng tiết lộ có 4 thành phố ghi nhận giá nhà giảm là Madrid, San Francisco, Dubai và Hồng Kông.
Lan Chi
>> Giữa thời đại dịch, nhà đất ở những nước nào được tìm kiếm nhiều nhất toàn cầu?
>> Nhà hạng sang trung tâm New York vẫn bán chạy giữa đại dịch
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet