Gặp ai để đòi nhà khi chủ đầu tư thế chấp dự án cho ngân hàng?
Hỏi: Tôi muốn biết khi chủ đầu tư thế chấp dự án cho ngân hàng thì những người đã mua dự án phải gặp chủ thể nào để đòi nhà.
Cụ thể, hiện tôi và nhiều người khác đã mua nhà ở dự án bằng hình thức nộp tiền góp vốn cho chủ đầu tư.
Theo quan sát của chúng tôi, thời gian đầu sau khi góp vốn thì tiến độ dự án vẫn bình thường. Nhưng gần đây, chúng tôi được biết dự án đã ngừng thi công do thiếu tiền.
Đặc biệt, chúng tôi nhận được thông tin là chủ đầu tư đã thế chấp dự án cho một ngân hàng. Vấn đề này khiến chúng tôi vô cùng lo lắng và bất an.
Tôi muốn hỏi nếu chuyện đó là thật thì chúng tôi nên gặp ngân hàng hay chủ đầu tư để giải quyết? Nếu hai bên đùn đẩy cho nhau thì trách nhiệm thuộc về ai?
Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai phải tuân theo quy định của pháp luật (Ảnh minh họa, nguồn: Đầu tư chứng khoán) |
Trả lời:
Theo Điều 2 Khoản 3 Thông tư 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT, đối tượng áp dụng của thông tư này bao gồm doanh nghiệp kinh doanh BĐS có nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án xây dựng nhà ở bán cho cá nhân, tổ chức được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Điều 10 Điểm B Khoản 2 Thông tư 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT quy định, đối với trường hợp doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã thế chấp dự án để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác thì trước khi ký hợp đồng mua bán nhà ở, doanh nghiệp này phải thay đổi nội dung đã đăng ký để rút bớt tài sản đảm bảo là nhà ở hình thành trong tương lai bán cho bên thế chấp theo đúng quy định của pháp luật.
Do đó, chủ đầu tư có quyền thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư của mình theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp dự án đầu tư đã được doanh nghiệp kinh doanh BĐS thế chấp thực hiện nghĩa vụ dân sự khác thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp (rút bớt tài sản thế chấp) đã đăng ký trước khi bán nhà ở đó cho cá nhân, tổ chức. Đồng thồi, để vay vốn mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng cùa doanh nghiệp, bên thế chấp chỉ được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại một tổ chức tín dụng.
Đối với trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai đang được thế chấp theo quy định trên thì sẽ không được tiếp tục thế chấp theo hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở đó. Theo quy định, hợp đồng thế chấp phải được đăng ký giao dịch đảm bảo và công chứng.
Theo thông tư, nhà ở hình thành trong tương lai muốn thế chấp phải có đủ các điều kiện: đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chưa bị kê biên thi hành án, đã xây dựng xong phần móng nhà ở...
Như vậy, trong trường hợp của bạn, thông tin bạn đưa ra chưa cụ thể. Bạn cần xem xét dự án đã đủ điều kiện thế chấp không, chủ đầu tư thể chấp theo hình thức nào đã thực hiện theo đúng thủ tục hay chưa? Nếu đúng thì việc làm của chủ đầu tư là hợp pháp và sau này chủ đầu tư trả nợ cho ngân hàng thì quyền lợi của bạn vẫn được đảm bảo.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet