Dù biết rủi ro, đa số người mua vẫn chấp nhận góp vốn mua nhà trên giấy

Phụ thuộc lớn vào ngân hàng

Nhận định “giá bất động sản, nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, đang có độ vênh rất lớn giữa giá bất động sản với thu nhập người dân và tốc độ phát triển của nền kinh tế. “Giá chỉ tăng, không giảm. Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam đứng ngoài top 100 nhưng giá nhà lại nằm trong nhóm 20 nước có giá nhà cao nhất thế giới. Do đó, số đông người dân không tiếp cận được nhà ở. Người dân đi làm dù không tiêu gì thì cũng phải mất 20 năm mới có khả năng mua được căn hộ nhỏ” - ông Nguyễn Trần Nam nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Chính phủ đã cho phép ngân hàng thương mại được chủ động điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay sẽ tạo điều kiện để lãi suất cho vay đầu tư được điều chỉnh ở mức thích hợp (khoảng 11-13%/năm) đã tạo ra sự sôi động cho thị trường. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2010, thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, nhất là nhà ở, mặt bằng kinh doanh thương mại, diện tích văn phòng cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Trần Nam cảnh báo: “Mặc dù vậy, nếu việc mở rộng tín dụng được làm một cách ồ ạt, nhất là ở phân khúc thị trường cao cấp, sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây ra hiện tượng bong bóng bất động sản”.

Đồng ý với phân tích thị trường bất động sản phụ thuộc nhiều vào vốn, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cho biết, dự báo 3 quý cuối năm 2010, khả năng tái lạm phát vẫn đang là một nguy cơ. Các nền kinh tế lớn mới chỉ đạt được mức không suy giảm, chưa tạo được tăng trưởng nhanh trở lại. Do vậy, thiếu vốn, căn bệnh trầm kha của thị trường bất động sản vẫn chưa được giải quyết. Ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Thị trường bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục trong tình trạng chưa tìm được nguồn vốn mạnh, có mức ổn định cao. Do đó, thị trường này vẫn sẽ rơi vào cảnh “nóng, lạnh” thất thường, “sốt” cục bộ”.

Vô tư lách luật

Thừa nhận “việc huy động vốn và mua bán nhà trả trước trong các dự án còn nhiều bất cập và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội”, ông Nguyễn Trần Nam phân tích, quy định của luật là sau khi khởi công móng mới được phép huy động vốn nhưng thực tế đã xuất hiện nhiều biến tướng. Có chủ đầu tư huy động vốn cho dự án A nhưng không tập trung vào đó mà lại mang đi đấu giá tại dự án B, thậm chí “trèo” cả sang dự án C.

Như thế là chi sai mục đích. Kết quả, chủ đầu tư thực hiện dự án chậm, giá vật liệu xây dựng tăng thì đổ lên đầu khách hàng, đòi tăng giá bán nhưng khi giá giảm lại làm ngơ. “Chúng tôi đã chọn 10 dự án lớn, nhỏ để kiểm tra, tất cả nếu không trái pháp luật thì cũng không đúng các quy định hiện hành” - ông Nguyễn Trần Nam nói. Lấy ví dụ vụ mua bán khống đất nền tại dự án Khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông), Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói: “Những vụ việc đó gây nhiều tai tiếng cho giới kinh doanh bất động sản. Ngẫm lại, tôi thấy, huy động vốn trước tồn tại quá nhiều vấn đề...”.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, phương thức “mua bán nhà trên giấy” tạo ra nhiều rủi ro cho người mua về chất lượng nhà ở, thời hạn giao nhà. Chưa kể nhà đầu tư tăng giá bán hoặc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác mà người mua không biết. GS Đặng Hùng Võ khẳng định dù góp vốn dưới hình thức nào thì phần thua thiệt vẫn rơi vào khách hàng. Ông Đặng Hùng Võ nói: “Nhiều nhà đầu tư đang có chiêu lách luật mới với tên gọi “Nhà đầu tư vay tiền của người tiêu dùng và cam kết trả lại bằng nhà ở”. Thực sự, đây cũng là biến thể của “mua bán nhà trên giấy”.

Theo chuyên gia bất động sản, nguồn vốn có tiềm năng với thị trường bất động sản vẫn là vốn từ tiền tiết kiệm, tiền nhàn rỗi trong dân. Muốn nguồn vốn này ổn định, hệ thống quản lý phải đưa ra được hành lang pháp lý để hạn chế rủi ro của phương thức “mua bán nhà trên giấy” và “nhà đầu tư vay tiền của người tiêu dùng và cam kết trả lại bằng nhà ở”. Ngay trong năm 2010, cần phải sớm đưa ra hành lang pháp lý cho phương thức huy động vốn từ dân, xây dựng quy chế quản lý rủi ro. Giải quyết được cơ chế này sẽ là điều kiện tăng thêm khả năng phát triển ổn định cho thị trường bất động sản trong 3 quý cuối năm 2010.

Theo ANTĐ

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME