Dĩ nhiên, mức độ giản dị dân dã ở đây chỉ mang tính tương đối và có chọn lọc, chứ không phải lặp lại kiểu cũ hay cực đoan bụi bặm. Chất liệu dân dã cũng không hẳn là sản phẩm ở cấp thấp, mà có thể hiểu là những bề mặt hoàn thiện không bóng bẩy, xa hoa, không có quá nhiều lớp phủ hào nhoáng, nhưng được đầu tư nhiều chất xám và công sức xử lý, hoàn thiện theo chuẩn thẩm mỹ tự nhiên, mộc mạc. 


Ranh giới giữa bôi bác qua loa với thô mộc tinh tế tuy mong manh nhưng không hề khó phân định.

Tuy chưa có thống kê chính thức và cụ thể, nhưng đa số giới chuyên môn đều thống nhất rằng, xuất phát điểm của xu hướng này bắt nguồn từ các công trình nghỉ dưỡng và quán xá trong khoảng thời gian gần hai chục năm trở lại đây. Từ những resort sử dụng cừ tràm, gạch trần, tường đất nện, mái tranh rạ, cho đến quán xá trang trí gạch bông cũ, cửa gỗ lá sách, nền láng ximăng, trần cót ép... điều kiện cần phải là ý tưởng, và điều kiện đủ là kỹ thuật thi công đúng mức. Vì vậy, không phải cứ nhét bừa gạch trần hay rơm rạ vào nhà là tạo được không gian ra “chất”. Và ranh giới giữa bôi bác qua loa với thô mộc tinh tế tuy mong manh nhưng không hề khó phân định. Ví dụ như các khu nghỉ dưỡng theo kiểu Bali (Indonesia) mới trông chỉ toàn là nhà gỗ mái lá, vậy mà kỹ thuật hoàn thiện ở đó rất cao, giá thành xây dựng không thua gì khách sạn ốp lát lộng lẫy, chủ đầu tư phải bỏ ra không ít thời gian cho việc chế tác, các chi tiết đa phần đều làm bằng tay với trình độ nghệ nhân chứ không phải thợ xây bình thường. Và du khách phải trả tiền tương đương khách sạn 5 sao để thưởng thức không gian đậm chất thủ công ấy.

Dần dà phong cách này được lan toả rộng rãi hơn, đi vào không gian nhà phố, chung cư, với gia chủ là những ai muốn có sự khác biệt, muốn hoài niệm, hay đơn giản là muốn thấy giá trị của một mảng gạch bông giờ đã “thất truyền”, một khung cửa lá sách vẫn còn hữu dụng nếu khéo tận dụng. Phong cách này cũng tạo nên sự khác biệt, xác lập cá tính riêng trong điều kiện sống ở đô thị chật hẹp và đa phần công trình có kiểu hoàn thiện na ná giống nhau.

Dĩ nhiên không ai muốn nhà mình làm mới mà trông như cũ, nhà xây thế kỷ 21 mà lại y chang thời thiếu thốn xa xưa. Ngay cả khách tìm đến các resort “mái lá đá thô” cũng thường nói : “Được ở đây vài tuần thật sảng khoái, nhưng nếu làm nhà cho mình thế này thì phải... xem lại!”. Do đó chất dân dã khi đưa vào nhà ở thường mang tính điểm xuyết, nhấn nhá, có chọn lọc và không áp dụng cứng nhắc nguyên mẫu, tạm tổng kết qua một số giải pháp cụ thể sau:

– Những khu vực nền hoặc sàn mang tính chuyển tiếp như lối vào, hàng hiên... có thể chọn nhóm giải pháp tô đá mài, đánh ximăng trần, rải sỏi cuội... vừa tiết kiệm vừa dễ tạo hình và làm “phông nền” cho cây cối khoe sắc, dẫn dắt bước chân, ân cần chào đón một cách giản dị, khiêm nhường nhưng cũng thật nhiều duyên ngầm nếu hoàn thiện đúng mức, tránh lạm dụng.

– Những mảng miếng tường ngăn chia nhẹ nhàng như bình phong gạch thông gió, ban công ghép lam bêtông trần, hàng rào dùng gạch trồng cỏ...

sẽ giúp ngôi nhà tạo ấn tượng riêng hơn nhờ cách “làm mới chất liệu cũ”. Ở những hướng khí hậu gay gắt như nắng tây, tây bắc thì giải pháp dùng vật liệu xốp, rỗng, có lỗ thông gió và cản nắng còn giúp ngôi nhà thích ứng tốt hơn với môi trường chung quanh.

– Nếu muốn nội thất mang hơi hướng phong cách truyền thống, có thể chọn nhóm vật liệu dân dã như gạch bông hoạ tiết phong phú, gỗ tự nhiên đi cùng gạch ximăng không nung, ngói âm dương và tường quét vôi... Khi được kết hợp với sự gọn gàng, ít phô trương, hoàn thiện kỹ sẽ đem lại nét duyên riêng khá hiệu quả cho những vật liệu dân dã. Một số chất liệu dễ kiếm như cừ tràm, phên tre, đá chẻ, gỗ tận dụng… khi được sắp xếp theo trật tự hợp lý tại một số điểm nhấn có thể giúp gia chủ giảm bớt tốn kém và tạo gu riêng, cho dù đó có thể chỉ là một góc ngồi nhỏ trên sân thượng hay những bậc thang không ốp lát cầu kỳ.

KTS THÁI HOÀNG DƯỠNG

(Theo SGTT)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME