Nút giao Thanh Xuân - chưa duyệt quy hoạch đã chỉ đạo GPMB 

Vấn đề thiết kế nút giao Thanh Xuân cân hay lệch to, lệch nhỏ chưa được quyết định, chưa có quy hoạch nhưng đã chỉ đạo GPMB được ĐB Phạm Xuân Hằng đem ra chất vấn Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh. Với câu hỏi này, ông Khanh khất lại bởi "Tôi mới nhậm chức 4 tháng, nói về nguyên nhân, trách nhiệm, tôi xin đề nghị được báo cáo lại với uỷ ban".

Trước đó, ĐB Vũ Đức Tân đã nêu lên hàng loạt những bức xúc của người dân về nút giao Thanh Xuân như không có quyết định thu hồi đất đến các hộ gia đình, tự ý điều chỉnh chỉ giới đường đỏ từ 68 lên 71m, sử dụng tài liệu không chính xác...

Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này ông Khanh cho rằng, việc thiết kế nút phụ thuộc vào chủ đầu tư (Bộ GTVT). Việc các hộ dân khiếu nại, tố cáo, TP đã giao thanh tra xác minh vụ việc, khi có kết luận sẽ gửi tới ĐB. Cũng theo ông Khanh, phương án thiết kế nút giao Thanh Xuân hiện đang trình Thủ tướng quyết định.

ĐB Vũ Đức Tân tiếp tục hỏi: "15 hộ dân bị cưỡng chế nhưng 7 tháng nay chưa có nhà ở. Ban giải phóng mặt bằng lo cuộc sống của họ thế nào?". Phó Chủ tịch Khanh khẳng định, cưỡng chế dân không bàn giao là làm theo luật. Quận Thanh Xuân sẽ xem xét về đời sống người dân và báo cáo thành phố.

Quy hoạch TP sông Hồng mới chỉ là nghiên cứu?

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội.

Quy hoạch TP 2 bên sông Hồng đang được dư luận hết sức quan tâm về tính khả thi của dự án. Tại kỳ họp này không ít ĐB đã bộc lộ sự lo lắng bởi có ý kiến cho rằng, nếu không tính toán một cách thấu đáo, dự án có thể trở thành quy hoạch treo khổng lồ trong vài chục năm nữa.

ĐB Trần Trọng Hanh gay gắt: "Quy hoạch TP hai bên bờ sông Hồng gây bức xúc cho 17 vạn dân. Nếu dự án chỉ ở giai đoạn nghiên cứu thì ghi là nghiên cứu, phải có tên đề tài, tại sao lại nói là quy hoạch cơ bản. Thành phố tổ chức triển lãm rồi hội thảo nhưng thể chế không có, không tuân theo quy trình, không đúng thẩm quyền phê duyệt. Vậy ai chịu trách nhiệm ký kết, trong khi tiền là của dân. Trách nhiệm của TP ở đâu?".

Cùng chia sẻ quan điểm, ĐB Phạm Thị Thành chất vấn Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi: "Giới kiến trúc sư, nhà khoa học rất quan tâm đến dự án lớn này bởi nó ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể thủ đô. Văn phòng Chính phủ đã từng gửi 2 công văn cho HN nhưng không thấy HN hồi âm. Nên đưa vấn đề này ra bàn và suy nghĩ vì sông Hàn của Seoul khác rất lớn so với sông Hồng".

Ông Khôi cho biết: "Quy hoạch của Hàn Quốc là nghiên cứu khoa học, cơ sở để Hà Nội nghiên cứu hoàn thiện đưa vào
điều chỉnh quy hoạch chung của thủ đô. Thành phố sẽ phải thẩm định theo đúng quy định, chúng tôi đã xin ý kiến của chuyên gia và hiện giao các ngành tổng hợp ý kiến".

Chưa thoả với phần trả lời của ông Khôi, ĐB Phạm Thị Thành nói: "Đồng chí nói TP đã xin ý kiến chuyên gia, nhưng nhiều kiến trúc sư nói với tôi là họ không hề được hỏi ý kiến".

ĐB Phạm Thị Loan nêu câu hỏi: "Dư luận đang xôn xao về dự án
TP hai bên sông. Đây không phải lần đầu tiên chúng ta lập quy hoạch mà trước đây Nhật Bản đã làm quy hoạch cho sông Hồng, nay lại Hàn Quốc. Vậy sau này một nhà thầu từ Paris đến nói là có dự án của họ thì thành phố giải quyết thế nào?".

Không đi thẳng vào trả lời các ĐB, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi mềm mỏng: "Xin cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia đóng góp ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu".

500.000 lượt người bị xử phạt do vi phạm giao thông

Người cuối cùng tham gia trả lời chất vấn, ông Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an TP đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô trong thời gian qua.

Đó là hệ quả của việc dân cư tập trung về Hà Nội quá đông, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, ý thức tham gia giao thông kém, lượng xe máy, ôtô đăng ký tăng cao...

Cũng theo ông Nhanh, trong 11 tháng của năm 2007, đã có 500.000 lượt người bị xử phạt do vi phạm trật tự an toàn giao thông với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.

Ông Nhanh cho biết Hà Nội hiện có 78 "điểm đen" thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Vào các giờ cao điểm, hàng ngàn cảnh sát giao thông được phân công trên các tuyến đường nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Tuy nhiên, ông Nhanh cũng khẳng định từ nay đến năm 2010 - 2020 Hà Nội sẽ không còn ùn tắc.

Về việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sau ngày 15.12, ĐB Nguyễn Tiến Thắng chất vấn ông Nhanh: "Liệu có đủ lực lượng cảnh sát giao thông tham gia xử phạt hay không?". Rất tự tin, ông Nguyễn Đức Nhanh khẳng định: "Chúng tôi sẽ hoàn toàn đủ lực lượng để xử lý".

Trả lời chất vấn các ĐB về việc giảm phương tiện cá nhân, Giám đốc Công an TP cho rằng: "Đây là giải pháp lâu dài". Về chủ trương giảm mật độ dân cư, ông Nhanh cho biết; "HN đang kiến nghị Quốc hội nâng pháp lệnh thủ đô thành Luật Thủ đô, nhằm tạo cho HN cơ chế đặc thù về cư trú".

Phiên chất vấn đã khép lại với 34 ĐB tham gia và 41 lượt tái chất vấn dành cho 2 phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội và Giám đốc Công an TP. Bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND TP cho biết, các câu hỏi của các ĐB chưa được trả lời tại hội trường sẽ được UBND TP trả lời bằng văn bản trước ngày 13.2.2008.

Theo Lao Động

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME