Dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào BĐS Việt Nam
Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thương mại khu vực Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục đạt kỷ lục mới trong ba tháng đầu năm 2018. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy sôi động đó.
Theo báo cáo của Jones lang lasalle, 3 tháng đầu năm, khối lượng đầu tư tại Châu Á Thái Bình Dương lên đến 40 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cột mốc kỷ lục năm 2008 và tăng 34% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động sôi nổi của thị trường đến từ sự tăng trưởng mạnh của dòng vốn đầu tư tại các thị trường cốt lõi như Nhật Bản, Ấn Độ, Hồng Kông, Úc và Trung Quốc. Ví dụ như đầu tư tại Ấn Độ ghi nhận quý thứ hai tăng trưởng vượt bậc chưa từng có, đạt hơn 1,6 tỷ USD…
Trong 4 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút 455 triệu USD |
Dù không phải thị trường cốt lõi nhưng Việt Nam cũng không nằm ngoài sự sôi động trên. Các hoạt động đầu tư vào Việt Nam cũng góp phần nhất định vào con số 40 tỷ USD thu hút đầu tư của Châu Á Thái Bình Dương. Theo Jones Lang Lasalle, trong 4 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút 455 triệu USD, chiếm 12,8% tổng vốn FDI của cả nước trong giai đoạn này. Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, nhà đầu tư nước ngoài cam kết rót 3,05 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam vào bất động sản, chiếm 8,5% tổng vốn FDI đăng ký của Việt Nam.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong quý I/2018, có 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017
Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển sang mảng thị trường bất động sản thương mại, thay vì tập trung phân khúc nhà ở như nhiều năm trước. Ở phân khúc bất động sản thương mại, các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa đang được giới đầu tư nước ngoài rất quan tâm bởi tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư. Ngoài ra, theo đại diện Jones lang lasalle, mức giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Điều này phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung văn phòng. Trên thực tế, phân khúc tòa nhà thương mại tại Việt Nam hiện mới chỉ bằng 1/5 so với các thành phố khác cùng khu vực Đông Nam Á, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều đạt các con số ấn tượng qua các năm. Do đó, đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển, hút dòng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Jones lang lasalle dẫn nhận định của CRE (Hiệp hội thương mại dịch vụ bất động sản) cho biết, đầu tư vào bất động sản thường tập trung vào thị trường phía Nam Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung sự chú ý vào thị trường bất động sản Hà Nội, điển hình là thỏa thuận của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) ở phía bắc sông Hồng (thỏa thuận với Tập đoàn BRG để hợp tác phát triển đô thị thông minh trị giá 4 tỷ USD); Capital Land thâu tóm quỹ đất lớn tại Tây Hồ, Bitexco bắt tay Mitsubishi phát triển dự án The Manor Central Park…
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại Việt Nam của Jones lang lasalle nhận định: “Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều phân khúc của thị trường bất động sản. Mỗi tuần, bộ phận Thị trường vốn của Jones lang lasalle tiếp đón từ 5 đến 10 nhà đầu tư nước ngoài. Nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt như hiện nay, chúng tôi kỳ vọng 2018 sẽ là năm bội thu cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
Thúy An
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet