Doanh nghiệp phản ứng trước việc bắt buộc dự trữ thép | ảnh 1
Nhiếu ý kiến cho rằng bắt buộc dự trữ thép và phôi thép là bất hợp lý.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng bắt buộc dự trữ phôi thép là đi ngược lại lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo quy định của bản Dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến của các doanh nghiệp, mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa dự kiến là 10% lượng thép và 3-5% lượng phôi thép mà thương nhân nhập khẩu năm trước. Giá mua hàng hóa đưa vào dự trữ lưu thông thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%, giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra.

Bộ Công Thương cho rằng, phôi thép là nguyên liệu đầu vào chiếm khoảng 80% trong việc hình thành giá thép thành phẩm. Trong khi phôi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, 40% còn lại vẫn phải nhập khẩu và giá thép trong nước chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động giá phôi thép trên thế giới, vì vậy để góp phần bình ổn thị trường thép, việc quy định dự trữ lưu thông bắt buộc đối với phôi thép (chủ yếu là phôi vuông dùng trong sản xuất thép xây dựng) là cần thiết.

Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, dự thảo này không phù hợp với quy luật thị trường, đi ngược lại lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo VSA có bốn lý do sau. Một là, đến thời điểm này, tổng công suất sản xuất thép xây dựng của cả nước đạt gần 9 triệu tấn/năm, trong khi tổng tiêu thụ thép năm 2010 mới đạt 6,3 triệu tấn. Tiêu thụ thép 5 năm gần đây chỉ chiếm 50 - 60% tổng công suất của các doanh nghiệp. Trên thị trường chưa bao giờ thiếu thép xây dựng kể cả khi giá cả thép biến động mạnh. Vì vậy, không có lý gì lại dự trữ thứ đang dư thừa.

Hai là, các đơn vị nhập khẩu thép còn kinh doanh nhiều mặt hàng khác mà Nhà nước không cấm, căn cứ theo nhu cầu thị trường. Hàng tháng các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đều dự trữ 500 nghìn tấn phôi thép, 300 nghìn tấn thép xây dựng thành phẩm, chưa kể phôi và sản phẩm thép tồn ở các công ty thương mại. Như vậy, lượng phôi và sản phẩm tồn cao hơn nhiều so với mức quy định dự trữ trong dự thảo.

Ba là, Dự thảo quy định giá bán hàng dự trữ của doanh nghiệp thấp hơn giá thị trường 10% cũng không thực tế. Những năm trước, khi giá thép biến động mạnh, Nhà nước chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước giữ giá bán thấp hơn thị trường 1 - 2 triệu đồng/tấn nhưng trên thực tế người tiêu dùng không được hưởng giá rẻ bởi sản phẩm đến tay họ phải qua rất nhiều khâu trung gian, và chỉ có doanh nghiệp phân phối trung gian được hưởng lợi.

Bốn là, tuy dự thảo yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đầu tư kho bãi thì được ưu đãi thuế đất... song thực chất điều này sẽ hình thành cơ chế xin - cho phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực.

VSA cho biết thêm, tính đến thời điểm này, toàn VSA có 21 doanh nghiệp sản xuất phôi, 31 doanh nghiệp sản xuất cán thép xây dựng, không những phải cạnh tranh khốc liệt với nhau mà họ còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ ASEAN và Trung Quốc, nên không thể có độc quyền trong lưu thông và giá bán thép.

Hiện giá bán ở các doanh nghiệp đều khác nhau tùy vào thương hiệu, công nghệ và hàng tháng đều công khai báo cáo cho VSA. Ngoài ra, mỗi khi giá thép biến động, các bộ, ngành chức năng đều đến doanh nghiệp kiểm tra nhưng chưa hề phát hiện tình trạng đầu cơ tích trữ thép để trục lợi.

Rõ ràng, khi đã vận hành theo cơ chế thị trường, sẽ có lúc thị trường cần nhiều hàng, doanh nghiệp bán sạch kho, có lúc phải bán ngay vì được giá, có lúc lại ứ nhiều hàng... Cũng có khi doanh nghiệp thấy mặt hàng kinh doanh không hiệu quả sẽ không nhập về nữa. Điều đó hoàn toàn tự nhiên. Doanh nghiệp không có lý gì giữ lại 5% hay 10% hàng, bởi lúc bị lỗ vì giá xuống thì ai chịu cho?

Trong công văn mới đây gửi Bộ Công Thương, VSA đã đề nghị bộ này kiến nghị Thủ tướng những biện pháp hữu hiệu bình ổn thị trường, tránh những quy định hành chính với doanh nghiệp thép, bởi sản xuất thép xây dựng ở Việt Nam hoàn toàn đảm bảo nhu cầu và đang vận hành theo cơ chế thị trường, phải cạnh tranh gay gắt không chỉ trong nước mà cả với doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều năm nay, trong ngành thép đã có sự cạnh tranh gay gắt bởi công suất sản xuất thép hiện đã cao hơn nhu cầu. Vì vậy, không cần dự trữ để bình ổn thì các doanh nghiệp cũng tự phải dự trữ để cạnh tranh. Việc lựa chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối dự trữ hàng hóa và phân phối theo “mệnh lệnh” của Nhà nước sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh, trái với quy luật của nền kinh tế thị trường.

(Theo VnEconomy)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME