Doanh nghiệp BĐS “còng lưng” chịu lãi vay
Trong thời gian này, việc thắt chặt tín dụng, lãi suất đang cao và thị trường địa ốc đóng băng, áp lực lãi vay trở thành gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản sử dụng nợ vay nhiều.
Theo thống kê của Vietstock, trong số 58 doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2011, VIC dẫn đầu khoản nợ phải trả khi chỉ tiêu này lên đến 17,131 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu hợp nhất hơn 10,486 tỷ đồng, hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu (DER) của VIC là 1.63, chỉ đứng sau SCR (2.36), HQC (2.07), và PDR (1.87).
Ts Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng Tp.HCM cho rằng, rất khó nói thị trường bất động sản sẽ như thế nào trong thời gian tới, nhưng nếu Chính phủ không có biện pháp khai thông thị trường này thì sẽ có nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh đổ vỡ. Do giai đoạn khó khăn năm 2008 – 2009 doanh nghiệp còn trông chờ vào nguồn lợi nhuận tích lũy trong các năm 2006 – 2007, đến nay thì nguồn lợi nhuận đó đã không còn. Và ở trường hợp xấu nhất, khi doanh nghiệp không đủ năng lực để trả vốn vay, ngân hàng sẽ đứng ra giải chấp các dự án bất động sản, khi đó tương tự như các đợt giải chấp trên thị trường chứng khoán, giá bất động sản sẽ nhanh chóng xuống dốc và kéo theo đó là hàng loạt doanh nghiệp có thể bị phá sản. |
Doanh thu từ hoạt động tài chính trong quý 1/2011 của VIC cũng khá lớn với giá trị 202.6 tỷ đồng, tăng 13.8% so cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng vọt lên 295.65 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2010. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 96.6 tỷ đồng, gấp 2.9 lần so cùng kỳ năm trước.
Một “ông lớn” khác có nợ phải trả cao nữa là KBC khi chỉ tiêu này ở mức 6,287.9 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu 5,304 tỷ đồng, hệ số DER của doanh nghiệp này khoảng 1.18. Trong quý, chi phí lãi vay của doanh nghiệp này chiếm 67.7 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng nợ phải trả của KBC vẫn thấp hơn mức tăng vốn chủ sở hữu khi hai chỉ tiêu này lần lượt tăng gần 8% và 44%.
Kết thúc quý 1, KBC đạt 213 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 62% so cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính đóng góp gần 100 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm đến 80%, chỉ đạt 51.2 tỷ đồng, làm cho hệ số chi phí lãi vay/lợi nhuận sau thuế lên đến 1.32 lần.
Top 10 doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu Nợ phải trả quý 1/2011
Đơn vị tính: Triệu đồng
* BCTC hợp nhất
Nguồn: VietstockFinance
Xét về hệ số DER, dẫn đầu toàn ngành là SCR khi nợ phải trả lên đến 5,370.6 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu khoảng 2,267.4 tỷ đồng, tương ứng DER=2.36. Trong quý 1, doanh nghiệp này chịu khoản chi phí lãi vay hơn 51 tỷ đồng.
Doanh thu thuần trong quý của SCR đạt 283.9 tỷ đồng, doanh thu tài chính là 48.6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 2.3 tỷ đồng. Chi phí lãi vay cao trong khi lãi ròng thấp làm hệ số chi phí lãi vay/ lãi ròng của SCR gần 22 lần, vượt xa các công ty trong ngành.
Đứng thứ 2 về hệ số DER toàn ngành là HQC khi hế số này bằng 2.07. Trong quý 1, công ty phải chịu chi phí lãi vay hơn 11 tỷ đồng. Kết thúc quý 1, doanh nghiệp này đạt 118.8 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó doanh thu tài chính 18.7 tỷ đồng, và 28.6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nhờ vốn chủ sở hữu lớn nên mặc dù thuộc hàng vay nợ nhiều nhưng hệ số DER của HAG chỉ có 0.37 trong quý 1. Chi phí lãi vay chiếm hơn 43 tỷ đồng, tăng 21.4% so cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, nợ phải trả của đại gia này đã giảm gần 50% so cùng kỳ năm trước, trong khi vốn chủ sở hữu tăng mạnh 75%.
Xem xét cơ cấu doanh thu của HAG, có thể thấy doanh thu chủ yếu là từ hoạt động tài chính khi chỉ tiêu này lên đến 466 tỷ đồng, gấp 4 lần doanh thu thuần (115.5 tỷ đồng). Trong khi đó, lợi nhuận ròng quý 1 lại giảm đến 41% so cùng kỳ năm trước, chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu chính so với quý 1/2010
Đơn vị tính: %
Như vậy, bức tranh của các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu mức độ vay nợ trong quý 1/2011 đều có chung tình trạng sụt giảm doanh thu lẫn lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu tài chính đồng loạt tăng.
Với tình hình lại suất đang ở mức rất cao như hiện nay, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc thì việc vay nợ nhiều của các doanh nghiệp này là một vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình cảnh mất thanh khoản khi mất khả năng kiểm soát nợ nần.
(Theo Vietstock)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet