Doanh nghiệp bất động sản tích cực tìm kiếm nguồn vốn
Để giảm dần việc lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng trước bối cảnh siết chặt tín dụng với bất động sản (BĐS), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang tìm cách tăng nguồn vốn bằng hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán, kêu gọi vốn đầu tư ngoại thông qua hợp tác dài hạn.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư Tp.HCM, trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố thu hút gần 487 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hoạt động kinh doanh BĐS là lĩnh vực đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, chiếm hơn 1/4 tổng vốn vào thành phố. Việc BĐS tiếp tục giữ vị trí “á quân” trong thu hút FDI có vai trò quan trọng trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng đang siết lại với kinh doanh, đầu tư, mua bán BĐS.
Trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam ghi nhận hàng loạt dự án mới được doanh nghiệp triển khai trên thị trường thông qua nguồn vốn M&A với khối ngoại. Đơn cử, Tập đoàn The Global Group (Nhật Bản) góp vốn với Công ty Nhà Mơ, triển khai xây dựng dự án Dream Home Riverside; Liên doanh Tiến Phát - Sanyo Homes tiếp tục hợp tác phát triển dự án Ascent Lakeside với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD; Keppel Land thâu tóm 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng cộng đồng Saigon Sports City với khoảng 11,4 triệu USD; Tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản đầu tư 100 triệu USD triển khai khu phức hợp đẳng cấp 5 sao Bamboo Capital…
Một đột phá trong dòng chảy vốn ngoại là thay vì chỉ luẩn quẩn ở các dự án nội thành, nhà đầu tư ngoại đang mở rộng sân chơi ra các khu vực vùng ven, các tỉnh lân cận. Mới đây Tập đoàn Nam Long vừa công bố các nhà đầu tư chiến lược cùng hợp tác phát triển giai đoạn I của khu đô thị Waterpoint, Long An gồm Nishi Nippon Railroad, TBS Group và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 35%, 10% và 5%. Nishi Nippon Railroad có tỷ lệ vốn góp vượt trội so với các đối tác trong nước, chỉ xếp sau chủ đầu tư Nam Long (50%). Điều này cho thấy nhà đầu tư ngoại này sẵn sàng di chuyển ra xa trung tâm hơn, thậm chí là về tỉnh giáp ranh Sài Gòn để đầu tư.
Nhà đầu tư ngoại đang ngày càng chịu khó đánh bắt xa bờ, tìm kiếm các thị trường
mới thay vì chỉ quẩn quanh ở những thành phố lớn. Ảnh minh họa
Cũng trong trung tuần tháng 7, Công ty CP Đầu tư Xây dựng BCONS và A ASSET Co., Ltd – công ty con của Tập đoàn PPSN Co., Ltd của Thái Lan đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Thông qua A Asset Co., Ltd, PPSN và BCONS sẽ thiết lập và xây dựng mối quan hệ hợp tác dài lâu. Theo sự thống nhất và định hướng giữa hai bên, PPSN sẽ hợp tác cùng BCONS trong hoạt động phát triển các dự án BĐS do BCONS làm chủ đầu tư tại thị trường Việt Nam. Được biết, trong năm 2018 liên doanh này sẽ cùng triển khai đầu tư và phát triển dự án BCONS Suối Tiên, tại khu phố Tân Lập, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án thứ hai của liên doanh này là BCONS Miền Đông cũng sẽ triển khai tại Tân Lập – Bình Dương trong năm 2019.
Ngoài bắt tay với khối ngoại, các doanh nghiệp BĐS còn huy động vốn thông qua niêm yết trên sàn chứng khoán. Đơn cử, Tập đoàn Novaland triển khai những đợt huy động vốn 310 triệu USD qua kênh phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi trên thế giới; Vingroup chọn phương án chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư ngay trong năm nay với mục tiêu huy động tối đa 20.000 tỷ đồng; Thủ Đức House cũng vừa huy động 247 tỷ đồng từ phát hành 19,76 triệu cổ phiếu; Tập đoàn Hà Đô dự tính tăng vốn bằng cách phát hành 18,9 triệu cổ phần…
Trong hơn 5 tháng đầu năm 2018, đã có 4 doanh nghiệp lên sàn là Vinhomes thuộc Vingroup, Net Land, Văn Phú, Đạt Phương. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng, BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán như Hưng Thịnh Construction, Cenland, MBland, Hải Phát... Đây là hướng đi phù hợp nhằm tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đánh giá về tiềm năng thu hút nguồn vốn ngoại, ông Stephen Wyatt, TGĐ Jones Lang Lasalle Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ là thị trường đầy tiềm năng và tích cực trong mở rộng cửa kêu gọi hợp tác đầu tư. Hiện tại 70% vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam vẫn là từ vốn vay ngân hàng trong khi ở các nước cùng khu vực tỷ lệ này vào khoảng 35%. Điều này cho thấy sự hạn chế của thị trường vốn BĐS, rất dễ tạo cơ cấu vốn bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào BĐS. Việc mở rộng các dòng vốn vào BĐS không chỉ là động thái giúp bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp tự chủ hơn trong triển khai dự án.
Ông Stephen Wyatt nhận định, Việt Nam đang dần cải thiện vị trí trong xếp hạng những thị trường minh bạch, đây là tín hiệu tích cực để thị trường tiếp tục ghi điểm trong mắt nhà đầu tư ngoại, thu hút nhiều hơn dòng tiền quốc tế đổ vào nội địa. Việt Nam cũng đang tiến hành thay đổi, cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, đặc biệt là xây dựng lại bộ khung pháp lý cho thị trường BĐS. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cơ hội đầu tư địa ốc ở các quốc gia phát triển lân cận đã tới hạn, Việt Nam mới đang ở chu kỳ đầu phát triển, đây là cơ hội tốt để tối ưu hóa dòng vốn đầu tư.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet