Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030
Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM là cần thiết nhằm nâng cao vai trò, vị thế của vùng trên thế giới, tăng cường kết nối với các vùng kinh tế đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á.
Các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Ý tưởng điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, Bộ Xây dựng tổ chức vào sáng 19/12.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tại hội thảo, Kiến trúc sư Ngô Quang Hùng cho rằng, có thể phân bổ các vùng phát triển kinh tế trong vùng Tp.HCM như vùng trung tâm với hạt nhân là Tp.HCM nhằm phát triển các trung tâm dịch vụ, công nghiệp, khoa học, công nghệ; vùng Tây Bắc (Tây Ninh, Bình Phước) phát triển kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp chuyên canh; vùng Đông Bắc (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu) phát triển dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; vùng Tây Nam (Long An, Tiền Giang) phát triển vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Còn theo Giáo sư Frank Schwartze (Đức), những vấn đề tồn tại hiện nay mà vùng Tp.HCM đối mặt như đầu tư xây dựng tràn lan, để lại nhiều khu đất trống cùng hàng ngàn căn hộ không có người ở; đô thị phát triển rộng, kém hiệu quả, trong đó cụm công nghiệp phát triển rời rạc, tự phát; ngập lụt ngày càng nghiêm trọng; giao thông ùn tắc…
Hiến kế cho việc điều chỉnh quy hoạch vùng Tp.HCM, chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn, cảnh báo, sự phát triển của vùng Tp.HCM đang đứng trước 2 thử thách lớn là tình trạng đô thị hóa thiếu kiểm soát, thiếu bền vững; nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đề xuất của ông Sơn là Tp.HCM nên ưu tiên phát triển hệ thống đường bộ, đường cao tốc; tạo cơ chế hợp tác đa ngành và liên vùng; tổ chức đô thị theo tuyến, cụm; giải quyết hài hòa lợi ích chung và riêng giữa các địa phương.
Theo quy hoạch, vùng Tp.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Tp.HCM và 7 tỉnh xung quanh, gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang. Diện tích tự nhiên của Vùng khoảng 30.404km2, quy mô dân số hơn 18 triệu người; đóng góp 60% mức thu ngân sách Nhà nước và chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet