Điểm sáng bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh thị trường tê liệt
Dòng sản phẩm chính của bất động sản nghỉ dưỡng là condotel, biệt thự nghỉ dưỡng… đang rơi vào tình trạng tê liệt trước 2 làn sóng dịch bệnh Covid-19, thanh khoản nhỏ giọt và thậm chí dù cắt lỗ sâu nhưng vẫn hiu hắt giao dịch. Tuy nhiên, ở những thị trường mới nổi vẫn xuất hiện một vài điểm sáng về thanh khoản.
Bất động sản nghỉ dưỡng đang trải qua giai đoạn vô cùng thách thức, khó khăn nối tiếp và chồng chất. Trước khi Covid-19 bùng phát và tái phát, bất động sản nghỉ dưỡng đã chứng kiến sự giảm tốc của thị trường do bão hòa nguồn cung, bài toán cam kết lợi nhuận của một số chủ đầu tư bị phá vỡ... Và Covid-19 là cú bồi đẩy thị trường rơi vào tình cảnh đóng băng, tê liệt. Tại các thị trường truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… đã diễn ra tình trạng rao bán khách sạn, homestay do nhiều chủ khách sạn không còn cầm cự được trước 2 làn sóng Covid. Riêng ở phân khúc condotel và biệt thự nghỉ dưỡng, rất nhiều nhà đầu tư sử dụng đến đòn bẩy tài chính cũng không chịu được áp lực lãi vay, buộc phải cắt lỗ sâu. Tuy nhiên, thanh khoản của thị trường vô cùng nhỏ giọt.
Anh Mai Thanh Tùng, môi giới tại Khánh Hòa cho biết, vào năm ngoái, căn condotel khách hàng của anh mua tại Bãi Dài (Cam Ranh) có giá 1,5 tỷ, rao bán cắt lỗ 250 triệu đồng nhiều tháng nay nhưng không có người hỏi mua. Một khách khác của anh Tùng là chủ sở hữu một căn biệt thự 12 tỷ tại Nha Trang cũng rao bán cắt lỗ hơn 1 tỷ nhưng khách “mặc cả”, yêu cầu giảm hơn 2 tỷ mới đồng ý xuống tiền khiến chủ biệt thự vẫn phân vân. Cá biệt, tại Đà Nẵng, có những căn condotel view sông Hàn cắt lỗ lên tới 400-500 triệu, từ 2,4 tỷ xuống mức 1,9 tỷ hoặc từ 1,9 tỷ xuống mức 1,5 tỷ nhưng lượng khách nhiệt tình hỏi mua vô cùng èo uột.
BĐS nghỉ dưỡng tại một số thị trường vẫn túc tắc có giao dịch. Ảnh minh họa
Tại Quảng Nam hay Phú Quốc, khá nhiều condotel, biệt thự nghỉ dưỡng cũng rao bán cắt lỗ phổ biến từ 10-20% nhưng người mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguồn hàng cũ tồn đọng, do đó, cũng không khó hiểu khi từ đầu năm đến nay, thị trường nghỉ dưỡng truyền thống rất hiếm hoi dự án mới ra hàng. Các chủ đầu tư, các sàn đều hiểu, thời điểm này bất động sản nghỉ dưỡng đang phải đối mặt nhiều thách thức, sức mua yếu, ra hàng sẽ gặp khó.
Trong khi đó, tại các thị trường mới nổi như Bình Thuận, Phú Yên, Đà Lạt… bất động sản nghỉ dưỡng vẫn túc tắc giao dịch và ghi nhận thanh khoản dù không quá sôi động. Đáng chú ý, condotel tại các thị trường này không ghi nhận hiện tượng giảm giá, cắt lỗ nhiều như các thị trường truyền thống. Nguyên nhân theo các môi giới, condotel tại các thị trường mới nổi có mức giá khá mềm, từ 500 triệu đồng/căn, thấp hơn khá nhiều so với mức giá trung bình phổ biến từ 1,5-4 tỉ đồng/căn tại các thị trường truyền thống. Do suất đầu tư nhỏ nên nhiều nhà đầu tư không quá áp lực nếu sử dụng đòn bẩy tài chính nên không xuất hiện tình trạng cắt lỗ ồ ạt.
Biệt thự nghỉ dưỡng ở các thị trường mới nổi có tỉ lệ giảm giá, cắt lỗ đông đảo hơn so với condotel. Tuy nhiên, thanh khoản của phân khúc biệt thự ở các thị trường này khả quan hơn so với các thị trường truyền thống. Anh Phạm Đức Trung, một môi giới chuyên dòng biệt thự nghỉ dưỡng ven biển miền Trung cho biết, sự khả quan này là bởi biệt thự nghỉ dưỡng ở những thị trường mới có khoảng giá dao động phổ biến từ 4-5 tỷ đồng, trong khi tại các thị trường truyền thống lên tới hơn chục tỉ một căn. Chính bởi vậy, cùng là cắt lỗ nhưng do mức giá mềm hơn, phù hợp với túi tiền của phần lớn nhà đầu tư mà thanh khoản ở những thị trường mới nổi tốt hơn. Trong khi tại các thị trường truyền thống, do mức giá đã quá cao, nguồn cung lớn nên dù cắt lỗ nhưng cũng không dễ thanh khoản.
Cũng theo anh Trung, giới đầu tư hào hứng với sản phẩm cắt lỗ ở các thị trường mới bởi những thị trường này chưa bước vào giai đoạn cực thịnh thì gặp Covid nên bị chững lại. Mua được sản phẩm giá tốt vào giai đoạn này thì khi tình hình khó khăn qua đi, dư địa tăng giá, phát triển ở đây còn lớn, nhà đầu tư kì vọng sẽ thu được lợi nhuận tốt.
Duy Bách
>> Hồi phục chưa lâu, BĐS nghỉ dưỡng lại oằn mình với đợt dịch Covid-19 mới
>> Thị trường khách sạn khó phục hồi trong năm 2020
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet