Điểm lại những phương án kiến trúc khu Di tích 18 Hoàng Diệu
Phương án thiết kế kiến trúc của Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trở thành một công viên cộng đồng, kết nối không gian di tích với các công trình mang tính biểu tượng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội và các công trình kiến trúc “Pháp cổ” ở lân cận phải hài hòa.
Trước đó, cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2014, đã có 6 phương án đoạt giải trong cuộc thi “Phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khảo cổ học khu di tích 18 Hoàng Diệu” do UBND TP. Hà Nội tổ chức, đã được triển lãm tại số 19C đường Hoàng Diệu nhằm giới thiệu để lấy ý kiến công chúng. Đợt này, hai phương án đoạt giải Nhì (không có giải Nhất), một của Studio Milou Singapore pte.Ltd và còn lại là Viện Kiến trúc quốc gia - Bộ Xây dựng được công chúng, các chuyên gia quan tâm hơn cả.
Còn nhớ, ngày 31/5 năm nay, tại Viện Kiến trúc quốc gia cũng diễn ra buổi tọa đàm “Công nghệ năng lượng hiệu quả trong thiết kế công trình đặc thù - Công viên Khảo cổ Hoàng thành Thăng Long” để giới thiệu phương án thiết kế Công viên Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long cũng như những công nghệ năng lượng tiên tiến được 2 công ty hàng đầu của Bỉ và Viện Kiến trúc quốc gia áp dụng trong phương án thiết kế.
Thời điểm đó, nhiều chuyên gia xây dựng, uy tín đã đánh giá cao phương án thiết kế kiến trúc của Viện Kiến trúc quốc gia. Đa số ý kiến nhận định phương án này đã thể hiện được sự hài hòa giữa các công trình kiến trúc liền kề và cảnh quan chung khu vực. Phương án của Viện Kiến trúc quốc gia tôn vinh được giá trị di sản, đồng thời đáp ứng được tiêu chí công nghệ, kỹ thuật; trong đó bao gồm giải pháp bảo tồn, công nghệ mới, xanh và tiết kiệm năng lượng.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội cho biết, phương án của Viện Kiến trúc quốc gia có chất lượng, nâng tầm giá trị di tích và gắn giá trị ấy với cộng đồng, truyền bá lại thông điệp XIII thế kỷ trước để cho thế hệ sau tiếp tục học tập, nghiên cứu. Phương án đã chỉ ra phải đảm bảo sự bền vững và lâu dài các di tích, nhưng đồng thời các công trình ấy phải mang tính đặc thù, mang dấu ấn của thời đại bởi giá trị của khu di tích này là nhiều thế kỷ liên tiếp.
Kiến trúc sư Lê Đình Chi – Viện kiến trúc quy hoạch cũng chia sẻ: “Tôi đánh giá chung các đề án đều rất mới. Mới về tư duy, ngôn ngữ và bản thân những tác giả của các đề án còn rất trẻ. Điều đó cho thấy nền kiến trúc của nước ta đã có sự hướng tới hội nhập, trào lưu chung của thế giới”.
Thực tế, khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là khu vực phức tạp cần phải đặt trong bối cảnh tổng quan của khu trung tâm chính trị mang tính biểu tượng cao của Hà Nội. Vì vậy, phương án thiết kế để khu vực này trở thành một công viên cộng đồng, kết nối không gian di tích với các công trình mang tính biểu tượng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội và các công trình kiến trúc “Pháp cổ” ở lân cận phải hài hòa.
Ông Dird Boydens - Công ty Boydens Engineering (Vương quốc Bỉ) - đơn vị tư vấn thiết kế cơ điện và năng lượng công trình khảo cổ học khu 18 Hoàng Diệu, nói: “Những ý kiến bổ ích của các chuyên gia Việt Nam sẽ giúp chúng tôi có những cải tiến tốt hơn trong các thiết kế ở tương lai. Trong phương án mà chúng tôi đưa ra, là đề cao tính linh hoạt của công trình dựa trên những nghiên cứu về di tích, khảo cổ và kiến trúc. Tôi nghĩ rằng, nhờ có tính linh hoạt nên phương án có thể điều chỉnh hoặc thay đổi một cách dễ dàng hơn, tránh được những tổn hại cho khu vực 18 Hoàng Diệu”.
Quy hoạch khu 18 Hoàng Diệu là quy hoạch khu có ý nghĩa đặc thù, đặc biệt quan trọng bởi khu Hoàng thành Thăng Long đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đồng thời nằm trong khu chính trị Ba Đình, bên cạnh Nhà Quốc hội đang hoàn thiện. Theo ông Trần Việt Anh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, triển lãm 24 phương án thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, các ý kiến đóng góp của nhân dân trong và ngoài nước sẽ được thu thập qua phiếu tham khảo, đặc biệt đối với 2 phương án đoạt giải nhì.
Khi triển lãm khép lại, ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến của cộng đồng và giới chuyên môn, từ đó báo cáo UBND TP. Hà Nội làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án kiến trúc tốt nhất để bắt đầu công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản của khu Hoàng thành Thăng Long.
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tiếp tục triển lãm 24 phương án thi tuyển thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Hoạt động này nhằm lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia và hội nghề nghiệp chuyên môn cho việc chọn ra phương án thiết kế bảo tồn “Di sản văn hóa thế giới” Hoàng thành Thăng Long.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet