Đi nước ngoài có được sở hữu nhà tại VN?
Hỏi: Anh chị tôi mua căn nhà năm 1994 (có giấy trắng), năm 1996 anh chị tôi đi Mỹ định cư và ủy quyền cho anh cả tôi quản lý, sử dụng nhưng không được mua bán. Đến năm 1999, được sự đồng ý của anh chị, anh cả chuyển quyền quản lý căn nhà trên cho tôi bằng giấy tay (có người làm chứng).
Anh cả tôi mất năm 2011 và hiện anh chị tôi bên Mỹ muốn bán căn nhà trên nên ủy quyền cho tôi được phép bán, sang nhượng. Tôi đã xin cấp đổi chủ quyền (ra sổ hồng) nhưng do năm 2000 căn nhà đã sửa chữa lại và thay đổi hiện trạng nên phát sinh vấn đề.
Theo đó tôi phải xin cấp mới nhưng nếu xin cấp mới lại vướng quy định người nước ngoài vì anh chị tôi hiện đang bận, không về Việt Nam được (không có giấy tạm trú trên 3 tháng). Còn nếu bán đi thì không sang tên được vì nhà đã thay đổi hiện trạng.
Xin hỏi, trong trường hợp này có cách nào giải quyết? Tôi đã lên quận hỏi thì được biết phải trả lại hiện trạng nhà cũ, nhưng căn nhà cũ tôi đã phá đi để xây cất lại nên giờ không biết phải làm sao? Mong được chuyên mục tư vấn. Cảm ơn.
khưu quang tuệ ([email protected] )
Trả lời:
Nếu việc sửa chữa căn nhà trên đã làm thay đổi kết cấu của ngôi nhà (phá nhà cũ đi và xây mới lại) nhưng không xin phép xây dựng thì việc UBND quận hướng dẫn phải khôi phục nguyên trạng mới có thể tiến hành thủ tục bán cho bên thứ ba được là đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, mặc dù căn nhà đã được xây dựng không phép nhưng do xây dựng từ năm 2000 (trước ngày 1-7-2006) nên anh chị bạn vẫn có thể tiến hành thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình xây dựng là nhà ở này (bạn có thể liên hệ UBND cấp huyện nơi có nhà, đất để được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục).
Bên cạnh đó, do là người Việt Nam định cư ở nước ngoài từ năm 1996 nên để được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, anh chị bạn phải thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể:
“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên, thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet