Đền bù khi thu hồi đất: Đâu phải cứ đền tiền cho dân là xong!
Ý kiến trên được đưa ra trong buổi Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung 12 vấn đề của Luật Đất đai 2013 tổ chức vào ngày 8/10, do Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững (Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á) chủ trì.
Các đại biểu cho rằng, định giá đất là một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc trong dân. Theo đó, một số địa phương thường áp dụng các tiêu chí như: đất vàng, đất dọc đường chính, đường phụ, đất sát mặt đường, đất sâu trong ngõ… để định ra mức giá cụ thể theo các hệ số K khác nhau. Chính cách làm này đã khiến người dân có tâm lý dùng dằng, không muốn giao đất ngay mà chờ giá đền bù được cao hơn.
Do không có phương án định giá đất hợp lý nên người dân bị thu hồi đất thường có
tâm lý dùng dằng, đòi hỏi được đền bù với giá cao hơn. Ảnh minh họa
Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, việc điều chỉnh giá đất nên được tiến hành định kỳ 5 năm một lần; bên cạnh đó, khâu xác định giá đất nên giao cho tổ chức độc lập chuyên trách tiến hành khảo sát và đệ trình Quốc hội, HĐND quyết định và công bố niêm yết rộng rãi để đông đảo người dân được biết. Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì mục đích kinh doanh thì theo giá thỏa thuận và theo quy luật cung cầu của thị trường.
“Cách làm như vậy sẽ đảm bảo việc xác định giá đất mang tính dân chủ, công khai, hợp lý đồng thời đảm bảo ổn định xã hội hơn so với cách làm cũ vì nó sẽ góp phần giảm bớt các khiếu nại trong dân”- Luật sư Tiết giải thích.
Cũng trong buổi hội thảo, nhiều ý kiến khác cho rằng để hỗ trợ tốt cho người dân khi bị thu hồi đất, vấn đề quan trọng nhất là phải tạo ra việc làm, tạo ra thu nhập mới cho họ. Người nông dân được đền bù số tiền có lớn thế nào đi nữa nhưng không có việc làm thì tiền đền bù cũng nhanh chóng tiêu tan, đó là chưa kể đến việc phát thêm nhiều tiêu cực xã hội khác.
Theo các đại biểu, người dân cần được chính quyền địa phương hướng dẫn thành lập các hợp tác xã kiểu mới, các công ty sản xuất, kinh doanh dịch vụ tư nhân; hướng dẫn về mặt pháp luật để họ biết dùng quyền làm chủ của dân - đây cũng là những vấn đề cốt lõi của việc hỗ trợ cho dân. Muốn vậy, cơ quan nhà nước phải thực sự trở thành những cơ quan phục vụ dân trên thực tế.
Những việc trên muốn làm được thì không nên khoán trắng cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mà tất cả các bộ, ngành của Trung ương, địa phương đều phải chung tay góp sức, trước mắt là đề cao và phát huy tác dụng của “bốn nhà” gồm: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông cho những người dân bị thu hồi đất.
Ngoài ra, việc biên soạn các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có liên quan đến nhiều bộ, ngành, do đó nếu không có cách làm hợp lý, các đại biểu cũng lo ngại những quy định của Luật này khi đi vào thực tế sẽ khó tránh khỏi tình trạng bất cập, nhiêu khê, chồng chéo, trùng lặp…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet