Đề xuất làm 5 tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với các tỉnh thành
5 tuyến đường sắt được đề xuất đầu tư sẽ kết nối TP.HCM đến Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, sân bay Long Thành và trên trục Bắc - Nam.
UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án phát triển ngành logistics ở TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu được nêu trong đề án là đến năm 2025, thành phố sẽ nâng vai trò đầu mối giao thương hàng hoá, kết nối các thị trường góp phần giảm chi phí logistics cả nước so với tổng sản phẩm nội địa 10-15%.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại, kết nối với các cảng biển quan trọng của TP.HCM và khu vực phía Nam. Trong mạng lưới này có 5 tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành cần được xây dựng theo quy hoạch.
Thứ nhất là tuyến TP.HCM - Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát). Tuyến này dài 139km, kết nối đường sắt TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (quận 12, TP.HCM). Đoạn từ ga Tân Chánh Hiệp đến ga Trảng Bàng (Tây Ninh) với chiều dài gần 40km sẽ được đầu tư trước.
Trên cả nước hiện chỉ có tuyến đường sắt Bắc - Nam, vốn là đường đơn khiến năng lực vận chuyển bị hạn chế. Ảnh minh họa
Thứ hai là tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dự kiến kéo dài đến Cà Mau) kết nối đường sắt Bắc - Nam. Chiều dài tuyến theo nghiên cứu là hơn 173km, có điểm đầu hàng hóa ở TP. Dĩ An (Bình Dương), điểm đầu hành khách ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) và điểm cuối ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Tuyến đi qua 6 tỉnh thành (Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ). Tuyến gồm 14 ga và 2 trạm khách.
Thứ ba là tuyến Thủ Thiêm - sân bay Long Thành (Đồng Nai), dài hơn 37km. Tuyến này chuyên vận chuyển hành khách đi lại ở sân bay, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).
Thứ tư là tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đoạn TP.HCM - Nha Trang với chiều dài 366km sẽ được ưu tiên xây dựng để đáp ứng nhu cầu vận tải lớn. Đoạn dài 32km từ Thủ Thiêm đến ga Bình Sơn (Đồng Nai) sẽ được đầu tư đường sắt tốc độ cao.
Thứ năm là tuyến đường sắt đôi chuyên dụng dài hơn 30km nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP.HCM) và cảng Long An. Điểm đầu tuyến tại ga Long Định (huyện Cần Đước, Long An) và điểm cuối ở cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Tuyến này chỉ vận chuyển hàng hóa.
Đề án phát triển ngành logistics ở TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến 2030 ngoài đề xuất đẩy nhanh việc đầu tư 5 tuyến đường sắt nói trên còn đề cập đến việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam, đảm bảo tàu khách chạy tốc độ trung bình 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h.
Đề án cũng đề xuất đẩy nhanh việc mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương, đẩy nhanh tiến độ làm tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...
Khánh Trang
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet