Đề xuất bỏ việc gia hạn giấy phép xây dựng
Bộ Xây dựng đề nghị tăng thời hạn khởi công từ 12 tháng lên 18 tháng, rút thời gian cấp phép đối với nhà ở nông thôn xuống còn 10 ngày.
Bộ Xây dựng vừa đề xuất nhiều nội dung mới liên quan đến việc cấp phép xây dựng nhà ở và công trình theo hướng quy định cụ thể, bớt “làm khó” người dân. Nội dung này nằm trong 14 thủ tục hành chính ưu tiên cải cách của Bộ Xây dựng.
Trong những đề xuất của Bộ Xây dựng, đáng chú ý là thời gian cấp phép đối với nhà ở nông thôn được rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày làm việc.
Cạnh đó, khi xin cấp phép xây dựng, người dân sẽ phải nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất. Về bản vẽ thiết kế, hướng cải cách sẽ quy định rõ người dân chỉ nộp một bộ hồ sơ, riêng bản vẽ thiết kế phải nộp hai bản. “Nếu quy định không rõ sẽ có nơi cán bộ bắt người dân nộp tới 3-4 bộ” - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Thọ Vinh nói.
Với nhà ở, công trình xây xen, Bộ Xây dựng đề xuất cần quy định bên làm nhà, công trình phải có giải pháp gia cố, chống đỡ nhà, công trình bên cạnh. Biện pháp này nhằm xác định rõ trách nhiệm của người làm nhà trong trường hợp xảy ra sự cố.
Về hình thức nộp hồ sơ, Bộ Xây dựng đề xuất người dân phải nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép, không được gửi qua đường bưu điện. Cụ thể, ở cấp quận, huyện thì nộp ở phòng quản lý đô thị hoặc phòng công thương (tùy từng địa phương), còn ở cấp tỉnh thì nộp ở phòng cấp phép của Sở Xây dựng.
Về hiệu lực của giấy phép xây dựng, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ việc gia hạn giấy phép, thay vào đó tăng thời hạn khởi công từ 12 tháng lên 18 tháng. Hết thời hạn này, nếu chủ đầu tư vẫn chưa khởi công thì phải xin cấp giấy phép xây dựng mới. Theo Bộ Xây dựng, cần bỏ việc gia hạn giấy phép xây dựng là vì nó tạo cho chủ đầu tư tâm lý ỷ lại, không làm tốt công tác chuẩn bị trước khi làm thủ tục xin cấp giấy phép.
Điểm đáng chú ý nữa là Bộ Xây dựng đề nghị bỏ khoản phí xây dựng. Theo quy định hiện hành, phí xây dựng do địa phương quy định, thường ở mức 0,5%-1% tổng mức đầu tư công trình xây dựng. “Nếu người dân xây nhà 1 tỉ đồng, với phí 1% mức đầu tư, người dân sẽ phải đóng 10 triệu đồng. Vì mức đóng khá lớn như vậy nên nhiều người đã né đóng khoản phí này bằng cách xây dựng không phép” - ông Vinh nêu thực tế.
Không thể bắt dân chạy khắp nơi “Người dân chỉ nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng, việc lấy ý kiến các cơ quan có liên quan thuộc trách nhiệm của cơ quan cấp phép. Nếu bắt người dân, tổ chức làm việc này, họ không biết việc xây dựng công trình của họ liên quan đến lĩnh vực nào nên sẽ phải chạy hết cơ quan này đến cơ quan khác”. - Ông Hoàng Thọ Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng |
Theo PLTPHCM
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet