Để nhập khẩu vào 5 thành phố lớn cần tạm trú 2 năm
Quốc hội đã “duyệt” phương án quy định linh hoạt, giữ nguyên điều kiện tạm trú 1 năm mới được nhập khẩu vào các huyện, chỉ nâng thời hạn lên gấp đôi (2 năm) với trường hợp đăng ký thường trú ở các quận nội thành ở 5 thành phố trực thuộc TƯ.
Biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cư trú chiều 20/6, 443/462 đại biểu (tương đương gần 90% so với tổng số 498 đại biểu Quốc hội) tán thành các quy định mới trong luật.
Trước đó, UB Thường vụ Quốc hội giải trình cặn kẽ về một số nội dung tiếp thu và không tiếp thu từ kết quả thảo luận của các đại biểu về dự thảo luật. UB Thường vụ xác nhận còn nhiều nội dung trong luật Cư trú cần xem xét sửa toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý cư trú và đảm bảo quyền cư trú của công dân. Việc này liên quan trực tiếp đến đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, cấp mã số định danh công dân giai đoạn 2013-2020mà Chính phủ đang nghiên cứu, triển khai.
Tuy nhiên, cơ quan giải trình vẫn lập luận, để đáp ứng yêu cầu trước mắt, cần tập trung sửa ngay một số quy định, điều luật để xử lý những vấn đề nổi cộm, vướng mắc như tình trạng di dân tự phát vào nội thành của các thành phố lớn, gây quá tải về hạ tầng, an sinh xã hội, quản lý trật tự an toàn xã hội.
Điều kiện chỗ ở, hạ tầng tại các thành phố lớn hiện tại được cho là đang chịu rất nhiều áp lực từ dân nhập cư. |
Về vấn đề siết điều kiện nhập cư vào 5 thành phố trực thuộc TƯ hiện nay (Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ) (riêng Hà Nội còn phải thực hiện các quy định trong luật Thủ đô), quy định gây nhiều tranh luận hơn cả trong quá trình thảo luận là đề xuất tăng điều kiện về thời hạn tạm trú từ 1 lên 2 năm mới được nhập khẩu vào các quận nội thành. UB Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định điều kiện thời hạn đăng ký tạm trú để tránh phiền hà cho người dân.
Cơ quan giải trình phân tích, Luật cư trú hiện hành quy định công dân có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên thì được đăng ký thường trú. Thực tế áp dụng cho thấy quy định điều kiện 1 năm tạm trú là quá ngắn.
Mặt khác, tình trạng tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc TƯ ngày càng cao, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, dẫn đến việc quản lý trật tự, an toàn xã hội, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, UB Thường vụ Quốc hội nhận định quy định thời gian tạm trú 2 năm đối với trường hợp xin nhập khẩu vào các quận thuộc 5 thành phố lớn này là phù hợp. Quy định này góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các thành phố này, làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học vào nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, giảm sức ép về các vấn đề xã hội và cơ sở hạ tầng cho các địa phương.
Với điều kiện về diện tích nhà ở nếu muốn đăng ký hộ khẩu, Quốc hội thống nhất phương án giao quyền cho HĐND mỗi thành phố tự xác định cho phù hợp với tình hình trên địa bàn.
Ngoài ra, UB Thường vụ Quốc hội gạt bỏ đề xuất bổ sung thêm một số trường hợp được nhập khẩu thành phố như trường hợp người chưa thành niên, còn cha, mẹ nhưng không sống chung với cha, mẹ mà sống chung với người thân do cha mẹ không có điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng hoặc cho người khác nuôi hoặc cha, mẹ ly hôn và người chưa thành niên có nguyện vọng ở với ông, bà ở thành phố.
Cơ quan giải trình viện dẫn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình có quy định, cha, mẹ có nghĩa vụ, trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con, nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội. Để phát triển đầy đủ và hài hoà nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình. “Bỏ qua” vấn đề nguyện vọng của trẻ, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, để nâng cao trách nhiệm của cha, mẹ đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, luật không nên cho phép trường hợp cháu nhập khẩu về với ông bà khi cha mẹ vẫn còn sống, chưa ly hôn.
Những quy định mới của luật Cư trú có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet