Đề án lập hai quận Từ Liêm có dấu hiệu “làm số”?
Theo ý kiến của một đại biểu quốc hội thì đề án lập hai quận Từ Liêm có một số dấu hiệu "không thể chấp nhận được".
Đại biểu duy nhất của huyện Từ Liêm (Hà Nội) không bấm nút thông qua thành lập hai quận mới vừa có công văn gửi Chính phủ và các bộ, ngành nhằm chỉ ra một số điểm mà theo ông là sai phạm và bất hợp lý của đề án do huyện Từ Liêm xây dựng.
Trước đó, ngay sau khi Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua việc thành lập hai quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, đại biểu Nguyễn Hữu Kiên đã chính thức lên tiếng vì sao ông không bấm nút thông qua, cũng như chỉ ra một số điểm “chưa đạt” của đề án.
Cụ thể, theo báo cáo tóm tắt ngày 27/11/2013 của UBND huyện Từ Liêm để xin ý kiến nhân dân, thì số dân của vùng đất dự kiến là quận Bắc Từ Liêm sẽ gồm dân số 9 xã (Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế) và dân số của một vùng đất rất đông dân cư thuộc thị trấn Cầu Diễn. Cộng dân số 9 xã trên thì tổng dân số của Bắc Từ Liêm là 319.818 người, chưa bao gồm dân cư thuộc phần đất rất đông dân cư chuyển từ thị trấn Cầu Diễn sang.
Thế nhưng tại trang 56 của đề án trình Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm sáng ngày 5/12/2013 thì dân số của quận Bắc Từ Liêm gồm dân số của 9 xã nêu trên cộng thêm 10.126 nhân khẩu trên diện tích 98,9 ha của thị trấn Cầu Diễn, trong khi tại tờ trình số 385/TTr-UBND ngày 4/12/2013 cũng của UBND huyện Từ Liêm trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp thì diện tích chỉ là 75,48 ha và “không một bóng người” trên diện tích 9,3 ha thuộc xã Xuân Phương nằm ở phía Bắc quốc lộ 32.
Và nếu theo bảng số liệu tại trang 2 của bản tóm tắt thì dân số của quận Bắc Từ Liêm sẽ là: 319.818 (dân cư 9 xã) + 10.126 (một phần Cầu Diễn chuyển sang) + 0 người tại 9,3 ha đất thuộc xã Xuân Phương nằm bên cạnh quốc lộ 32 là một điều mà theo ông Kiên là phi lý, không đúng thực tiễn.
Như vậy, dân số của quận Bắc Từ Liêm lúc này sẽ là 329.944. Khi đó mật độ dân số của quận Bắc Từ Liêm sẽ là: 329.944/43,33534 km2 = 7.613,74 người/km2. Đồng thời khi đó số dân của quận Nam Từ Liêm sẽ là: 553.308 – 329.944= 223.364. Mật độ dân số của quận Nam Từ Liêm sẽ là: 223.364/(75,627-43,33534) km2 = 6.920,951 người/km2 - không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Điều 6 khoản 2 của Nghị định 62/2011 của Chính phủ.
Như vậy, theo ông Kiên, có thể thấy từ phần tóm tắt xin ý kiến nhân dân sang tới đề án trình thông qua, số dân của từng xã/thị trấn lại có sự thay đổi, đặc biệt có sự thay đổi “chóng mặt” ở một số đơn vị then chốt. Không những thế, số liệu trong bản thân từng trang của đề án giữa phần chi tiết và phần bảng tổng hợp cũng thay đổi và không thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên nhấn mạnh, bằng các “kỹ thuật số”, chỉ trong một thời gian ngắn, những người xây dựng đề án đã di chuyển được 10.126 người từ xã Phú Diễn của quận Bắc Từ Liêm để sang cư trú tại quận Nam Từ Liêm, trong đó Cầu Diễn là 5.364 người và Mỹ Đình là 4.893 người. Bởi lẽ, nếu những người này không di chuyển thì quận Nam Từ Liêm sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn về mật độ dân số tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, trong đề án cũng đã có sự chênh lệch số liệu giữa phần chi tiết và phần tổng hợp. Việc nâng từ xã lên phường đã gây ra tình trạng “chết người” tại xã Cổ Nhuế - một xã có dân số là 78.295 người, Cổ Nhuế được tách làm hai phường Cổ Nhuế 1 với dân số 33.364 người và Cổ Nhuế 2 là 44.488 người đã khiến 461 người “biến mất”. Trong khi đó, tại xã Đại Mỗ, sau khi được đề nghị lên phương, từ xã có 24.340 người nhưng đã nhanh chóng tăng thêm 2.401 người chỉ qua hai bản báo cáo.
Đáng chú ý, đề án đã khiến cho toàn bộ 9,3 ha đất bên phía bắc quốc lộ 32 thuộc xã Xuân Phương chuyển về phường Tây Tựu không có một bóng người”; 3,3 ha đất thuộc thị trấn Cầu Diễn, một địa bàn đô thị hóa 100% chuyển về phường Cổ Nhuế 1 cũng không có một bóng người; 1,6 ha đất thuộc thị trấn Cầu Diễn (đô thị hóa 100%) chuyển về phường Cổ Nhuế 2 cũng không có một bóng người. Nếu vậy, ai cũng có thể thấy rằng, chẳng nhẽ chỉ có 1.914 nhân khẩu sống trên 8 ha đất thuộc thị trấn Cầu Diễn thuộc phần phía Tây sông Nhuệ, phía Nam quốc lộ 32?
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Kiên, những chênh lệnh số liệu nêu trên cùng những bất hợp lý khác trong quy hoạch đô thị cho thấy công tác chuẩn bị đề án là quá sơ sài, và có dấu hiệu của việc “làm số” nhằm đạt yêu cầu tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, về tiêu chuẩn hệ thống các công trình hạ tầng đô thị của hai quận mới, theo nguyên tắc để so sánh với tiêu chuẩn đủ điều kiện thành lập làm hai quận thì phải phân tích từng đơn vị là quận Bắc Từ Liêm so với tiêu chuẩn đặt ra và quận Nam Từ Liêm so với tiêu chuẩn đặt ra. Thế nhưng, trong đề án lại chỉ so sánh số liệu chung hiện nay của toàn huyện Từ Liêm so với tiêu chuẩn đặt ra tại Thông tư 34 của Bộ Xây dựng.
Chẳng hạn, đối với chỉ tiêu đất xây dựng công trình công cộng cấp khu ở (m2/người) mức quy định là từ 2 m2 trở lên, hiện nay huyện Từ Liêm đang đạt 2 m2 và đề án tự đánh giá là “đạt”, chứ không làm rõ là tách làm hai quận thì tỷ lệ là bao nhiêu.
Tương tự đất xây dựng công trình công cộng đô thị, tiêu chuẩn quy định là từ 5 m2, hiện trạng là 5 và cũng chỉ đánh giá “đạt”. Một số chỉ tiêu khác về nước sinh hoạt, rác thải, đất thể thao, dịch vụ, thương mại… hiện huyện Từ Liêm đều ngang bằng với mức tối thiểu của Bộ Xây dựng quy định. Như vậy, nếu chia làm hai quận thì tỷ lệ này liệu có đạt không cũng không được đề án nêu rõ.
Đáng chú ý, tại trang 11 của đề án nêu rõ “huyện Từ Liêm đạt tiêu chuẩn thành lập quận về hệ thống các công trình hạ tầng đô thị” chứ không có một câu nào kết luận về việc: huyện Từ Liêm đủ điều kiện thành lập hai quận về hệ thống các công trình hạ tầng đô thị. Cũng theo ông Kiên, các cơ quan chức năng cùng các chuyên gia cần tìm hiểu cặn kẽ và thấu đáo hơn nữa khi đi vào phê duyệt các dự án để đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet