Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội: Một số vấn đề phải giải quyết
Ngày 6/7 UBND thành phố Hà Nộiđã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Đề án giãn dân phố cổ.Một số ý kiến đề nghị cần khống chế việc nhập tịch mới và có cơ chế cụ thể kiểm soát tăng dân số trở lại tại khu vực được giãn dân...
Di dời 1800 hộ dân
Nhiều hộ dân phố cổ đang ở trong những căn nhà có diện tích quá nhỏ. Ảnh: Chí Cường |
Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội cho biết, Đề án giãn dân phố cổ được khởi động từ tháng 11/1998 đến nay đã được hơn 12 năm. Thành ủy và UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên cho tới thời điểm này đề án vẫn chưa hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Chưa đến 30% số hộ dân phố cổ đồng ý di chuyển UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức điều tra xã hội học đối với 953 hộ. Kết quả cho thấy, có 255/953 hộ đồng ý di chuyển (đạt 26,8%), trong đó số hộ đồng ý chuyển tới Khu đô thị Việt Hưng là 151/255 hộ (đạt khoảng 59,2%). |
Khu phố cổ với diện tích 81ha nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm (Hàng Mã, Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bông, Cửa Đông, Lý Thái Tổ) với tổng số dân trên 66.658 người, mật độ khoảng 823 người/ha. Một trong những mục tiêu của đề án là làm giảm mật độ dân cư trong khu vực, từ 823 người/ha năm 2009 xuống còn 500 người/ha - mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020. Để thực hiện việc giảm mật độ dân số như trên cần phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân, tương ứng với 26.200 người. Ước tính nhu cầu đất giãn dân cho toàn bộ đề án là hơn 40ha, trừ 11,12ha đã có tại Khu đô thị mới Việt Hưng, thành phố cần bổ sung thêm 29,34ha đất.
Theo lộ trình thực hiện đề án, trong Giai đoạn I sẽ giãn khoảng 1.800 hộ dân sang quỹ đất tại Khu đô thị mới Việt Hưng. Trong đó có khoảng 780 hộ sống trong các di tích, công sở, trường học, dự kiến sẽ di chuyển ngay từ quý I-2012. Từ quý III-2013 di chuyển tiếp 1.020 hộ. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, ngay sau khi đề án được thành phố phê duyệt, quận sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai nhiệm vụ, phấn đấu tới cuối năm 2011 có thể khởi công xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ, năm 2015 hoàn thành giai đoạn I và bàn giao cho dân, đồng thời triển khai giai đoạn II của đề án.
Nên khống chế nhập tịch
Đóng góp ý kiến cho đề án, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh, để đề án thành công, ngay từ bây giờ, thành phố phải có chỉ đạo quận Hoàn Kiếm có biện pháp kiểm soát chặt việc nhập tịch để trở thành "công dân phố cổ", nếu không khi di chuyển được 1 hộ đi thì lại có 2, 3 hộ chuyển tới. Ông Tuấn cũng đề nghị cần xem xét tới các tiêu chí quy hoạch cụ thể để có phương án tập trung ưu tiên các hộ trong vùng "lõi" của phố cổ, tức là các hộ cần di dời để bảo tồn công trình di tích lịch sử, văn hóa khu vực trung tâm.Về cơ chế kiểm soát tăng dân số trở lại, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Vũ Văn Viện cho rằng đây là điểm khó nhất khi xây dựng đề án. Ông Viện nói: "Việc xây dựng một cơ chế kiểm soát nhập tịch riêng của quận Hoàn Kiếm trong thời điểm này thì không khả thi, chúng tôi xin nợ. Đợi Luật Thủ đô được thông qua thì việc siết điều kiện nhập cư đã có sẵn trong luật". Ông Viện đề nghị trước mắt xin thành phố thông qua đề án rồi sẽ tiếp tục triển khai các công việc tiếp theo, "đầu có xuôi thì đuôi mới lọt".
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải hoàn thành khâu điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 đối với phần diện tích 11,12ha đã có tại Khu đô thị Việt Hưng trước ngày 20/7. Quận Hoàn Kiếm phải xây dựng phương án cụ thể các cơ chế, chính sách về GPMB, ưu đãi về nhà ở, giá bán nhà tái định cư, ưu đãi đối với nhà đầu tư; cơ chế kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại... Dự kiến đề án sẽ được báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội sớm để có thể duyệt ngay trong tháng 8/2011 làm cơ sở chính thức triển khai.
Nhà phố cổ chỉ bán cho người phố cổ Theo đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm, để kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại, sẽ có một số tiêu chí cụ thể để giải quyết căn hộ của người di chuyển. Cụ thể, những căn hộ đó chỉ bán cho những hộ dân trong cùng số nhà; những hộ dân trong cùng khu phố; những người mua sử dụng không nhằm mục đích đưa người không có hộ khẩu trong khu phố cổ đến ở. Trường hợp căn hộ để lại không có người đủ các tiêu chuẩn nêu trên mua sử dụng thì cho phép UBND quận Hoàn Kiếm chỉ định hình thành một tổ chức mua gom và lập Dự án đầu tư cải tạo theo đúng các mục tiêu của quy chế bảo tồn tôn tạo phố cổ Hoàn Kiếm. |
(Theo Giadinh.net)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet