Đầu tư nước ngoài vào văn phòng, mặt bằng bán lẻ Trung Quốc bất ngờ tăng vọt
Bất chấp tình hình dịch bệnh phủ bóng đen ảm đạm lên phần lớn thị trường bất động sản châu Á-Thái Bình Dương, phân khúc văn phòng và mặt bằng bán lẻ Trung Quốc vẫn lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế. Sau đợt sụt giảm đáng kể trong quý đầu năm nay, thị trường này nhanh chóng hồi phục trong quý 2 và đón nhận dòng vốn đầu tư cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo một báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu Real Capital Analytics (RCA), trong quý 2/2020, các nhà đầu tư địa ốc đang dồn vốn vào thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc, đặc biệt là các khu văn phòng và mặt bằng bán lẻ ở trung tâm. Nhu cầu đầu tư tăng mạnh khiến thị trường này nổi bật hơn hẳn, trở thành điểm sáng đáng chú ý nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
RCA là hãng nghiên cứu chuyên theo dõi các thương vụ đầu tư trị giá ít nhất 10 triệu USD trên toàn cầu. Dữ liệu của hãng cho biết, lượng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc trong quý 2 đạt 8,4 tỷ USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xét trong nửa đầu năm, lượng vốn đầu tư chỉ đạt gần 14 tỷ USD, giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của sự sụt giảm này phần lớn là do ảnh hưởng của các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong 3 tháng đầu năm.
Thị trường văn phòng và mặt bằng bán lẻ Trung Quốc thu hút 8,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong quý 2/2020.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên buộc phải đóng cửa vì Covid-19 và cũng là nơi sớm chứng kiến sự khởi sắc trở lại sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ước tính với 80% hoạt động sản xuất được phục hồi, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt được mức tăng trưởng 3,2% trong quý 2, tạo ra một “cú hích” rất cần thiết cho thị trường bất động sản.
Trong số các khoản đầu tư lớn vào bất động sản Trung Quốc, đáng chú ý là thương vụ quỹ tài sản GIC của Singapore chi 1,13 tỷ USD để mua tòa nhà văn phòng LG Twin Towers rộng 82.673m2 ở Bắc Kinh. Bên cạnh các quỹ đầu tư nước ngoài, giới đầu tư Trung Quốc cũng thực hiện thành công nhiều thương vụ lớn như Ngân hàng Thượng Hải mua lại tòa nhà văn phòng Greenland Bund Center T2 với giá 687 triệu USD hay hãng bảo hiểm Ping An Insurance chi 600 triệu USD mua lại toà Gopher Center Shanghai. Bất chấp nhiều cuộc tranh cãi nổ ra về tương lai khó lường của văn phòng do đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải cho nhân viên làm việc tại nhà, giới đầu tư vẫn tỏ ra tin tưởng và tiếp tục rót vốn vào phân khúc này.
Báo cáo của RCA cho biết: “Các nhà đầu tư văn phòng đang hoạt động rất tích cực ở Trung Quốc. Chỉ trong quý 2, có tới 9 tòa nhà có giá trị trên 250 triệu USD đã được sang tay.”
Trong khi đó, công ty đầu tư bất động sản Nuveen Real Estate của Anh nhận định triển vọng của thị trường bất động sản Trung Quốc về tổng thể ở mức trung lập, khó dự đoán vì căng thẳng gia tăng với Mỹ vẫn có khả năng ảnh hưởng đến triển vọng thương mại.
Sự khởi sắc ở Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với tình trạng ảm đạm ở 9 thị trường lớn khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Hồng Kông ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất, gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hương Liên
>> Vì sao người Trung Quốc rải tiền gom bất động sản khắp toàn cầu?
>> Thị trường bất động sản Trung Quốc phục hồi sau khủng hoảng Covid-19
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet