Dấu ấn riêng Hà Nội
Hà Nội là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hoá, trong đó có văn hoá Pháp. Trong lịch sử, văn hoá và kiến trúc Pháp đã mang lại cho Hà Nội những nét đẹp đặc trưng riêng biệt mà không phải đô thị nào cũng có được.
Do vậy việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá đó trong điều kiện hiện nay, nhất là khi Hà Nội vừa mở rộng địa giới hành chính là vấn đề đang được đặt ra.
Toà nhà chính của ga Hàng Cỏ được xây dựng cuối thế kỷ 19 và một tòa nhà được khôi phục sau khi bị phá huỷ một phần trong trận bom năm 1972. Không khó để nhận ra sự khác biệt giữa hai công trình kiến trúc Pháp cổ này.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện rất nhiều công trình kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội đã bị xuống cấp, nhiều công trình có giá trị được khôi phục hoặc xây phỏng theo kiến trúc Pháp thì làm không đúng, rốt cuộc là làm hỏng nó đi.
Theo ông, văn hoá Pháp nói chung và kiến trúc Pháp nói riêng đã tạo nên một dấu ấn riêng cho thủ đô Hà Nội. Bên cạnh sự ảnh hưởng của kiến trúc Pháp tới kiến trúc Hà Nội, chính các công trình kiến trúc Pháp lại chịu sự tác động của các yếu tố văn hoá, thẩm Mỹ phương Đông trong hình thái biểu hiện.
KTS.Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Viện Paster, Bảo tàng Lịch sử, trụ sở Bộ Ngoại giao... là những công trình đi tiên phong cho phong trào Đông Dương hóa, nhiệt đới hóa. Tôi đánh giá cái đó nhiều hơn là đánh giá hình nét này, hình nét kia. Và trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, đánh giá về giai đoạn đó, giai đoạn mở đầu cho phong trào kiến trúc mà đến bây giờ vẫn sống được, đó là không nhập cư hoàn toàn, mà được nghiên cứu, thể hiện trên một môi trường sống của con người thích hợp với nó.
Các công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng tại Hà Nội chủ yếu vào giai đoạn cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có thể chia ra hai thời kỳ.
Thời kỳ đầu từ năm 1900 đến năm 1920, với những công trình mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu. Tiêu biểu là Nhà hát lớn Hà Nội, được khởi công năm 1901 và hoàn thành sau đó 10 năm. Công trình này có quy mô lớn với khán phòng gần 900 chỗ ngồi và một hệ thống các không gian phụ rất phong phú theo kiểu các nhà hát châu Âu đương thời.
Thời kỳ sau từ 1920-1954, điểm nổi bật của thời kỳ này là những công trình mang phong cách kết hợp kiến trúc Âu và Á. Điểm kết hợp đặc biệt này dễ nhận thấy tại các công trình như Viện Pasteur, trụ sở Bộ Ngoại giao và đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam... Đây là một công trình văn hóa vào loại tiêu biểu nhất và được đánh giá là có nhiều thành công trong xử lý không gian kiến trúc phù hợp với phương Đông. Nét phương Đông được thể hiện ở kết cấu mái nhiều lớp, hoạ tiết trang trí mái mô phỏng hình con nghê; cột trụ thon dưới, mang dáng dấp của cột đình làng Việt; giá đỡ mô phỏng vì kèo gỗ... Những chi tiết này làm cho công trình không bị lạc lõng trong bộ mặt kiến trúc chung của Hà Nội.
Ông Thomas Wright, Giám đốc điều hành Hội Quy hoạch Khu vực Hoa Kỳ, trong chuyến thăm Hà Nội mới đây đã nhận định: Kiến trúc Pháp ở Hà Nội đã trở thành một Quỹ di sản kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, Quỹ di sản ấy cần có sự nhìn nhận và phương thức ứng xử phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội vừa mở rộng địa giới hành chính, trở thành một trong những đô thị lớn nhất thế giới.
Ông Thomas Wright, Chuyên gia Quy hoạch đô thị, Giám đốc điều hành Hội Quy hoạch Khu vực RPA Hoa Kỳ: "Tôi nhận thấy kiến trúc Pháp là một phần của lịch sử Hà Nội và thú vị ở chỗ, trông nó không giống như những căn nhà tại Paris, mà nó chịu ảnh hưởng của nét kiến trúc châu Á, nét kiến trúc Việt Nam. Chính vì điểm đặc biệt này mà tôi nghĩ, các bạn cần phải bảo tồn về tôn tạo nó, ngay cả khi thành phố Hà Nội mở rộng diện tích. Tôi thật sự bị ấn tượng bởi vẻ đẹp của nét kiến trúc cổ của Hà Nội hiện nay.
Điều này cũng trùng với quan điểm của nhiều người làm công tác quy hoạch, kiến trúc trong nước.
KTS.Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: "Phải có đánh giá quỹ kiến trúc mà lịch sử để lại cho chúng ta, xác định giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị sử dụng. Ba giá trị đó nó cho ta những yếu tố cần bảo tồn hay không cần bảo tồn để làm sao chúng ta có cùng một ngôn ngữ, cùng một cách nhìn nhận trong việc bảo tồn và phát huy giá trị những công trình kiến trúc thời trước để lại cho chúng ta.
Cùng với những công trình kiến trúc cổ có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa còn lưu giữ được như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, khu phố cổ (khu 36 phố phường xưa)... những công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng tại Hà Nội từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 với những sắc thái riêng, đã góp phần làm nên dấu ấn rất riêng của kiến trúc Hà Nội trong lịch sử. Những giá trị này nếu được giữ gìn tốt và phát huy trong quá trình phát triển thủ đô Hà Nội, sẽ gợi mở những định hướng cho sự phát triển bền vững và hài hòa của Thủ đô trong tương lai.
(Theo VTV)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet