Dấu ấn kiến trúc cổ Việt Nam trong ngôi nhà 200 tuổi
Được xây năm 1810, đến nay ngôi nhà của ông Phạm Ngọc Tùng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã tồn tại hơn 2 thế kỷ. 10 năm trước, nhà được UNESCO công nhận là 'Nhà cổ dân gian Việt Nam'.
Ngôi nhà cổ của ông Tùng nằm ở làng Tây Giai (Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc), cách cửa Tây Thành nhà Hồ 200 m. Nhà có biển chỉ dẫn ghi rõ thời điểm xây dựng, những biến cố lịch sử và các giá trị độc đáo.
Dưới mái hiên, chủ nhân Phạm Ngọc Tùng (62 tuổi) mặc chiếc áo len xám cũ, tay chỉnh gọng kính, chăm chú vào tờ báo. "Chỗ này ngày xưa tôi hay đặt chõng tre nằm ngủ những đêm hè. Cái xó kia thời thanh niên nhiều hôm trốn nhà đi chơi, các cụ chốt cửa không vào được phải nằm đó", ông chỉ vào thềm nhà nói.
Ngôi nhà có vẻ bề ngoài rất mộc mạc, giản dị
Nhìn bề ngoài ngôi nhà có 7 gian, lợp bằng ngói âm dương, chỗ gạch mới, chỗ gạch cũ, giống như bao căn nhà ở các làng cổ khác. Nhưng chỉ cần lướt một vòng quanh nhà, khách sẽ hiểu vì sao cả tỉnh Thanh Hóa chỉ có ngôi nhà ông Tùng được trùng tu và công nhận. Hơn thế, cùng thời điểm cách đây 10 năm, cả nước chỉ có thêm 5 ngôi nhà khác được UNESCO trao danh hiệu "Nhà cổ dân gian Việt Nam".
Ông Tùng cho biết, rất nhiều chuyên gia lịch sử, kiến trúc, sinh viên các trường đại học trong và ngoài nước đã đến nghiên cứu kiến trúc ngôi nhà. Nhờ đó ông mới biết nó độc đáo và càng thêm trân trọng ngôi nhà của tổ tiên. "Trước đây, tôi chỉ biết phải giữ nếp nhà để làm nơi thờ tự của tổ tiên. Đến khi được các chuyên gia nói cho, tôi mới biết nhà mình đẹp đến vậy", ông cười hiền hậu.
Căn nhà đặc trưng cho kiến trúc của người Việt xưa, là lối lộn thềm. Tất cả hoa văn chạm trổ vô cùng tinh xảo, khắc họa sinh động tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Các tay đòn của ngôi nhà bố trí theo kiểu chồng rường kẻ chuyền và chồng rường kẻ bảy...
"Tôi cũng không biết tường nhà dày đến vậy. Một lần tôi mở đường thông ra quán đằng sau phải đập đi một góc mới biết được tường nhà dày 0,7 m, làm từ tre, nứa, bên ngoài bọc đất luyện, phân trâu, giấy bản. Hóa ra từ ngày xưa, các cụ đã tính được lực chịu ồn cho căn nhà", ông Tùng cho biết thêm.
Từng chi tiết của nhà đều rất tinh xảo. Chim phượng đậu trên bát sen và lộc bình phía trên
Gia phả họ Phạm còn lưu lại, căn nhà xây dựng năm 1810, của quan bát phẩm thời nhà Nguyễn (vì thế những đời sau họ Phạm thường gọi ông là cụ Bát). Căn nhà do những người thợ tài hoa nhất vùng Nam Hà (Hà Nam ngày nay) và làng Đạt Tài (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) làm trong thời gian rất dài.
Ban đầu nhà có 9 gian nhưng theo thời gian bị chiến tranh tàn phá nên giờ chỉ còn 7 gian. Ngoài gian nhà chính còn có 9 gian nhà bếp, dùng làm nơi nghỉ ngơi, ăn uống. Đến thời bố ông Tùng, nhà neo người không dùng đến, phần nhà cũ bị mục nát rồi phá bỏ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi nhà là nơi dự trữ quân lương, gồm lạc, thóc, bông vải... Tất cả lần hội họp của bà con trong vùng cũng được tổ chức trong ngôi nhà. Những gian không sử dụng được dùng làm nơi nghỉ ngơi cho bộ đội.
Ông Phạm Ngọc Tùng là đời thứ 7 sinh sống trong ngôi nhà được cho là có kiến trúc độc đáo bậc
nhất Việt Nam
Tháng 9/2002, các chuyên gia Nhật cùng thợ mộc lành nghề đã lên kế hoạch trùng tu cho ngôi nhà. Việc trùng tu kéo dài suốt 7 tháng. Gạch ở trong nhà được lật lên, lát lại. Một số tay đòn hư hỏng được thay thế. Tất cả cây cột bị mối mọt ăn trước đó được kiểm tra, chắp vá lại... Việc trùng tu được tiến hành dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính nguyên bản. Dự kiến sau ngày được trùng tu, ngôi nhà này sẽ tồn tại thêm 100 năm nữa.
"Suốt 200 năm, đó là lần đầu tiên ngôi nhà sang sửa. Những chỗ nào làm mới, các chuyên gia đều khắc dấu trùng tu năm 2002", ông Tùng cho biết thêm.
Hầu như khách tham quan Thành nhà Hồ đều được giới thiệu đến nhà ông Tùng để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của ngôi nhà mang đậm nét đẹp nhà cửa Việt Nam xưa.
Ngắm kiến trúc độc đáo trong căn nhà 200 tuổi:
Ngôi nhà xây từ đầu thế kỷ 19 và được tôn tạo một lần duy nhất, thời gian từ năm 2002 đến 2003.
Ngay sau khi tôn tạo, các chuyên gia của UNESCO đã nhiều lần thẩm định. Đến năm 2004, nó được
công nhận là 'Nhà cổ dân gian Việt Nam'.
Ngôi nhà còn 7 gian, 3 gian giữa là khu thờ. Trong nhà vẫn giữ được một hòm cổ, sập, đồ thờ và đặc biệt
có 4 đôi câu đối bằng chữ Hán Nôm, có ấn điểm của nhà Nguyễn. Nhiều chuyên gia đã phân
tích nhưng vẫn chưa đưa ra được sát nghĩa các câu đối này.
Ngôi nhà cổ có chiều ngang 21,7 m, dài hơn 9 m
Nhìn bề ngoài ngôi nhà bình thường như bao nhà cổ Việt Nam. Song yếu tố khiến các
chuyên gia công nhận nằm ở lối kiến trúc độc đáo. Nhà của ông Tùng được
thiết kế theo kiểu lộn thềm, cửa bức bàn.
Nóc chính giữa căn nhà là lối kiến trúc chồng rường kẻ chuyền và hai bên là chồng rường kẻ bảy.
Tất cả thanh xà ngoài hiên đều làm theo kiến trúc chồng rường kẻ bảy, được đặt chồng lên nhau, chạm trổ
hoa văn độc đáo. Chiều dài của chúng thu ngắn dần cân theo chiều vát của mái,
càng lên cao các con rường bên trên càng ngắn.
Hoa văn của ngôi nhà chủ yếu là tứ linh và tứ quý, đối xứng nhau. Thanh xà này có hình con lân
đội quả cam, thanh xà đối diện có hình lân đội hoa sen.
Hoa văn hình rồng quay đầu vào trong nhà.
Hoa văn hình con ly, đầu hóa rồng.
Chim phượng đậu trên bát sen và lộc bình phía trên.
Đầu rùa ở dưới, bình rượu tiên phía trên.
Đi liền với tứ linh là các loại hoa tùng, cúc, trúc, mai, đôi chỗ còn khắc chữ. Điểm đặc biệt, từ tứ linh,
đến tứ quý đều có xu hướng hóa rồng.
Ngôi nhà được làm từ 9 loại gỗ. Trong đó, các bộ phận chịu lực dùng sến, táu. Tiết tấu văn hoa làm
từ gỗ lát, xoan.
Nhà có 3 cửa chính với 12 cánh. Qua 2 thế kỷ, các cánh cửa vẫn vô cùng rắn chắc.
Ngôi nhà hướng đông nam, lệch 36,2 độ, có 9 mắt cửa, trên mỗi mắt cửa đều có hoa văn và bố trí
không đều nhau. Theo ông Phạm Ngọc Tùng, các mắt cửa được tính toán chính xác để đón
khí cho căn nhà.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet